Đặc sắc đám cưới truyền thống người Mông

- Thứ Năm, 21/10/2021, 16:16 - Chia sẻ
Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái làm lễ đón dâu
Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái làm lễ đón dâu

Ngày nay các chàng trai, cô gái người Mông đều đã có sự tìm hiểu, kết nối trên cơ sở tình yêu. Những nghi lễ trong đám cưới truyền thống của họ vẫn được lưu giữ song đơn giản, văn minh hơn theo dòng chảy của xã hội đương thời.

	Chiếc ô được ông mối treo lên gian chính ngôi nhà cô dâu
Chiếc ô được ông mối treo lên gian chính ngôi nhà cô dâu

Trong đám cưới truyền thống của người Mông tại xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, lễ vật nhà trai chuẩn bị để mang sang nhà gái xin dâu rất đơn giản, chỉ vài gói thuốc lào, hai chai rượu, một con gà và chiếc ô mới đựng trong chiếc gùi. Gia đình chú rể sẽ nhờ ông mối là đại diện cho đoàn đón dâu, thường từ 8 - 10 người, đều là số chẵn, bố mẹ chồng sẽ không đi đón con dâu.

Hai gia đình cùng uống rượu và nhà trai chuẩn bị làm lễ xin dâu
Hai gia đình cùng uống rượu và nhà trai chuẩn bị làm lễ xin dâu

Đến nhà gái, ông mối cầm chiếc ô treo lên gian chính của ngôi nhà. Ông mối sẽ thưa chuyện với gia đình cô gái, ưng thuận thì nhà gái sẽ lấy một chiếc ghế dài hướng ra cửa và đặt trên đó 4 chén rượu, một chiếc ô và mời nhà trai uống. Nhà trai uống xong thì rót lại 4 chén rượu và mời họ nhà gái. Khi nhà gái uống hết rượu trong chén, ông mối của nhà trai sẽ xoay ngang chiếc ghế lại để khẳng định nhà gái đã gả con cho gia đình mình. Chú rể và phù rể vái lạy tổ tiên, bố mẹ và anh em trong gia đình cô gái.

Chú rể và phù rể vái lạy tổ tiên, bố mẹ và anh em bên gia đình nhà gái
Chú rể và phù rể vái lạy tổ tiên, bố mẹ và anh em bên gia đình nhà gái

Nhận lễ vật, nhà gái sẽ làm các thủ tục cúng tổ tiên, nhà trai nộp lễ và xin đón dâu. Sau khi xong các thủ tục xin dâu, hai gia đình sẽ cùng ngồi vào mâm uống rượu, chúc mừng cô dâu, chú rể và nhà trai xin đón dâu về.

Nhà gái làm thủ tục cúng tổ tiên, nhà trai nộp lễ và đón dâu
Nhà gái làm thủ tục cúng tổ tiên, nhà trai nộp lễ và đón dâu

Theo phong tục của đồng bào Mông nơi đây, khi đưa cô dâu về nhà chồng dù gần hay xa đều phải tổ chức ăn một bữa cơm dọc đường, gần nơi có nguồn nước. Họ cho rằng bữa cơm đó là để báo với các vị thần linh rằng nhà trai đã đón được cô dâu, mời thần linh chứng giám và phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ.

Đoàn đón dâu thường từ 8 - 10 người, là số chẵn
Đoàn đón dâu thường từ 8 - 10 người, là số chẵn

Khi đoàn đưa, đón dâu về tới nhà, chú rể cùng phù rể thực hiện nghi lễ kính cáo tổ tiên, vái lạy cha mẹ cùng người thân trong gia đình. Sau khi hoàn tất các nghi lễ, đôi trai gái chính thức nên vợ chồng.

	Khi đưa cô dâu về phải tổ chức bữa ăn dọc đường, mời thần linh chứng giám, phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ
Khi đưa cô dâu về phải tổ chức bữa ăn dọc đường, mời thần linh chứng giám, phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ
	Đón dâu về tới nhà, chú rể thực hiện nghi thức báo tổ tiên, vái lạy cha mẹ cùng người thân trong gia đình
Đón dâu về tới nhà, chú rể thực hiện nghi thức báo tổ tiên, vái lạy cha mẹ cùng người thân trong gia đình

 

Thành Thế Vinh