Đại biểu cần được bồi dưỡng kịp thời và thường xuyên

- Thứ Hai, 23/08/2021, 07:07 - Chia sẻ
Để HĐND các cấp hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và nhân dân, một yếu tố quan trọng cần nâng cao chất lượng, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu. Ngoài tự học hỏi, trau dồi kiến thức, các đại biểu HĐND, nhất là đại biểu lần đầu tham gia hoạt động cần được bồi dưỡng kịp thời và thường xuyên. Chỉ khi đại biểu có đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, họ mới tự tin trong thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.

Từ những tồn tại, hạn chế

Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng bộ Khối Chính quyền huyện Tiền Hải, đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình Tô Quý Bôn, mặc dù chất lượng đã được nâng lên rất nhiều qua từng nhiệm kỳ nhưng hoạt động của đại biểu HĐND nhiều nơi vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân do đại biểu chủ yếu kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đề xuất các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản… của HĐND còn có nội dung chưa sâu. Trong các kỳ họp, một số đại biểu đóng góp ý kiến chưa chất lượng, chưa nêu được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

ĐB HĐND tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến (thứ ba từ phải sang) trao đổi với cử tri xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé.
ĐB HĐND tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến (thứ ba từ phải sang) trao đổi với cử tri xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé.
Ảnh: Hồng Ánh

Đồng quan điểm này, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Điện Biên Lê Hoài Nam cũng cho rằng, chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều là vấn đề mà nhiều địa phương gặp phải ở nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cá biệt, có những đại biểu chưa một lần phát biểu, dù thảo luận tại tổ hoặc tham gia chất vấn tại các kỳ họp trong suốt nhiệm kỳ. Một số đại biểu chưa sắp xếp công việc, thời gian tham dự đầy đủ các buổi TXCT nơi mình ứng cử nên chưa nắm bắt và chuyển tải kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri, tình hình và những vướng mắc của địa phương với cơ quan chức năng... dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND bị hạn chế, phần nào còn hình thức và chưa thực chất.  

Thực tế tại nhiều địa phương, trong xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh có đại biểu thiếu bản lĩnh, hiểu biết pháp luật chưa sâu sắc, toàn diện nên chưa tích cực tham gia phát biểu thảo luận tại kỳ họp HĐND. Việc chất vấn mới chỉ tập trung chủ yếu ở những đại biểu chuyên trách, đại biểu ở khối các cơ quan đoàn thể. Có đại biểu khi nêu câu hỏi chất vấn mới chỉ dừng lại ở việc yêu cầu cung cấp, làm rõ thông tin.

Tập trung bồi dưỡng đại biểu

Những vấn đề trên đã tồn tại nhiều năm, cần được giải quyết dứt điểm để nâng cao vị thế và chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Muốn vậy, ngoài tự học hỏi, trau dồi kiến thức, các đại biểu HĐND, nhất là đại biểu lần đầu tham gia hoạt động cần được bồi dưỡng, cập nhật kịp thời và thường xuyên. Chỉ khi đại biểu có đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, họ mới tự tin trong thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.

Theo Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Điện Biên Lê Hoài Nam, rút kinh nghiệm từ khóa trước, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho lãnh đạo HĐND tỉnh tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đại biểu. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh đã tăng cường phối hợp với Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh. Với việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, trong đó có kỹ năng giám sát, nâng cao năng lực hoạt động và tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu HĐND; cử đại biểu tham gia tập huấn theo chương trình của Bộ Nội vụ. Cũng theo ông Lê Hoài Nam, để nâng cao hiệu quả, các lớp tập huấn, bồi dưỡng cần tập trung vào phương thức hoạt động của đại biểu HĐND từ khâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến xem xét, thẩm tra, giám sát... 

Bên cạnh công tác đào tạo, ông Lê Hoài Nam cho rằng, cần đổi mới việc cung cấp thông tin cho đại biểu. Vì nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu tính chính xác thì việc xem xét, đánh giá và đề xuất của đại biểu đều không đúng và không trúng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh. Nhằm giúp đại biểu tiếp cận thông tin nhanh nhất, các tài liệu kỳ họp và văn bản điều hành của HĐND được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo gửi cho đại biểu HĐND qua hệ thống thư điện tử và đăng tải trên cổng thông tin điện tử.

Ngoài ra, sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là công tác cán bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Thực tiễn cho thấy, nơi nào được quan tâm của cấp ủy Đảng trong bố trí nhân sự tham gia HĐND có đúng tầm, đủ năng lực, trình độ chắc chắn chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên. Bên cạnh đó, qua các kỳ bầu cử, cần quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu. Đặc biệt, cần quan tâm đến chất lượng đại biểu và yếu tố có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; đại biểu ngoài Đảng được quan tâm giới thiệu phải là người có uy tín.

Tùng Dương