Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Gỡ "nút thắt" cho các Chương trình mục tiêu quốc gia

- Thứ Ba, 31/10/2023, 06:40 - Chia sẻ

Dự thính phiên giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hôm qua, 30.10, đại diện cơ quan dân cử địa phương cho rằng: các đại biểu trao đổi thẳng thắn, sôi nổi. Bên cạnh đưa ra những minh chứng cụ thể, nhiều ý kiến còn đề xuất bổ sung các giải pháp, kiến nghị cụ thể sửa đổi một số quy định hiện hành… nhằm sớm gỡ "nút thắt", góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang HOÀNG VĂN VỊNH: Tháo gỡ "điểm nghẽn", tạo chuyển biến căn bản trong thực hiện 

Gỡ

Qua theo dõi phiên thảo luận ở hội trường, tôi cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát cũng như các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Trên thực tế, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua bước đầu đạt được một số kết quả tích cực; đã huy động sự tham gia tích cực của người dân, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng và đạt kết quả thiết thực, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát từ cơ sở cho thấy: hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện các chương trình từ Trung ương đến địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, dẫn đến việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nguồn vốn phân bổ cho các chương trình còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cơ sở. Việc quy định tỷ lệ vốn đối ứng cao như hiện nay sẽ rất khó khăn cho các tỉnh thu ngân sách chưa cao…

Để 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, tôi cho rằng: Trung ương cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn theo thẩm quyền những nội dung văn bản còn chưa rõ, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; đặc biệt, cần tháo gỡ "điểm nghẽn" để tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong tổ chức thực hiện để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng vốn. Bên cạnh đó, cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn đã giao năm 2023 cho các địa phương để thực hiện sang năm 2024.

Ngoài ra, nên tích hợp những nội dung trùng lắp, tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện, tránh tình trạng quá nhiều văn bản hướng dẫn gây khó khăn trong việc áp dụng; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa. Đề nghị từ năm ngân sách 2024, Trung ương chỉ giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng chương trình, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể, để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện và bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao hàng năm…

Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An QUẾ THỊ TRÂM NGỌC: Cần giải pháp hiệu quả hơn trong triển khai thực hiện

Gỡ

Có thể nói, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp nối chương trình của giai đoạn trước đã tạo cơ sở, tiền đề thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, giúp bộ mặt nông thôn có sự thay đổi đáng kể, nâng cao đời sống của người dân. Còn đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc ban hành văn bản, cơ chế chính sách còn vướng mắc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Thực tế, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sẽ khó triển khai, không thể hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình đề ra. Đơn cử như chương trình hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đào tạo đại học và sau đại học...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, tranh luận thẳng thắn. Bên cạnh đưa ra các minh chứng cụ thể tại địa phương, nhiều ý kiến còn đề xuất bổ sung thêm các giải pháp, kiến nghị cụ thể sửa đổi các quy định hiện hành… để hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất. Qua đó, góp phần thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chất lượng hơn… Chủ tọa điều hành phiên thảo luận thể hiện sự linh hoạt, hướng các nội dung đi vào trọng tâm, trọng điểm.

Tôi đồng tình cao với ý kiến của ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) về giống, cây trồng vật nuôi đã được sửa đổi theo Nghị định số 38/2003, tuy nhiên nếu theo quy định như Nghị định thì vẫn còn vướng mắc do không phù hợp với thực tiễn địa phương… Hay như ý kiến của đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) về việc sửa các tiêu chí về thiết chế văn hóa cho phù hợp với thực tiễn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kéo dài ngân sách năm 2022 (chuyển năm 2023) sang năm 2024 vì giao vốn chậm, triển khai vướng mắc do thiếu quy định, chưa phù hợp với thực tế; có cơ chế cho các xã, bản đặc biệt khó khăn đã về đích nông thôn mới... Tôi cũng đánh giá cao một số giải pháp các đại biểu Quốc hội đưa ra, điển hình như: cần tập trung tháo gỡ các quy định liên quan đến việc khoán vào bảo vệ rừng; đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp....

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh PHẠM NGHĨA: Đồng bộ, cụ thể các văn bản hướng dẫn 

Gỡ

Trước tiên, tôi đánh giá cao việc Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là các chương trình có phạm vi rộng, ảnh hướng trực tiếp đến lợi ích của người dân, việc triển khai thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các Chương trình đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cụ thể của từng chương trình mục tiêu, từ đó phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của; đồng thời, nêu một số kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đối với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đối với địa phương. Phiên thảo luận đã nhận được sự quan tâm thảo luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội với những ý kiến sâu sắc, tâm huyết. Các đại biểu đã phản ánh chân thực nhiều “nút thắt” trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chủ yếu tập trung vào vướng mắc trong cơ chế, chính sách, điển hình là việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương còn chậm, chưa cụ thể, rõ ràng khiến các địa phương lúng túng. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn chậm, tiến độ giải ngân vốn thấp, đối tượng thực hiện của một số chính sách, ở một số địa phương có sự thay đổi, không còn phù hợp… cũng là “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ.

Trên cơ sở khó khăn đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thông suốt hơn. Trong đó, tôi cho rằng, trọng tâm là Chính phủ cần sớm chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn. Đồng thời, giải thích từ ngữ đầy đủ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản trong cùng một nội dung. Đối với cấp xã, nên ban hành dưới dạng sổ tay hướng dẫn thực hiện; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo trùng lắp vào địa bàn đối tượng nguồn vốn, gây thất thoát lãng phí, làm giảm hiệu quả của các chương trình.

TRỌNG HIẾU - DIỆP ANH - MỸ HẠNH thực hiện
#