Đại biểu dân cử là tác nhân, cầu nối để thúc đẩy kinh tế số

- Thứ Ba, 23/11/2021, 18:50 - Chia sẻ
Cuộc CMCN 4.0, sự hội nhập sâu rộng với các quốc gia trong khu vực và thế giới, sự phát triển của kinh tế số, biến đổi khí hậu… đã và đang tạo cho Việt Nam nhiều thời cơ và cả thách thức. “Trong bối cảnh như vậy, đại biểu dân cử nắm vai trò là tác nhân, cầu nối để thúc đẩy kinh tế số, tham mưu xây dựng hành lang pháp lý cho những ngành kinh tế mới, phát hiện những hạn chế thiếu sót của cơ cấu kinh tế nhằm tạo đà phát triển cho quốc gia” – GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viên trưởng Viện Kinh tế Việt Nam mở đầu chuyên đề “Tầm nhìn, định hướng phát triển đất nước” tại Lớp Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ tổ chức.

Kinh tế số thay đổi vai trò chính quyền

Với 3 nội dung: Kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; Bối cảnh Thế giới - Thời đại cho giai đoạn phát triển mới; Việt Nam chiến lược 2021 - 2030 và phương hướng nhiệm vụ 2021- 2025, GS.TS Trần Đình Thiên đã mang tới cía nhìn tổng quan nhất cho các đại biểu.

Ông Trần Đình Thiên khẳng định, chúng ta đã bắt nhịp kịp thời với kinh tế số. Điều này đến từ các yếu tố chủ quan và khách quan. Thứ nhất do bối cảnh của dịch Covid-19 bắt buộc sự thay đổi trong toàn nền chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đặc biệt, sự quan tâm của chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số nhanh gấp nhiều lần các năm trước đây. Bằng chứng là các giải pháp phần mềm ra đời và được ứng dụng ngày càng rộng rãi ở mọi lĩnh vực cuộc sống. Cùng với đó, nhiều mô hình thương mại mới được ra đời, nhất là thành phần kinh tế tư nhân.

GS TS Trần Đức Thiên với những chia sẻ mang tính thời đại với đại biểu HĐND của hơn 50 điểm cầu.
GS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ với đại biểu HĐND của hơn 50 điểm cầu

Năm 2020, rất nhiều quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm trong khi Việt Nam có đà tăng trưởng 4%, điều này đã mang lại cả thế và lực cho Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên tính từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2021, với sự công phá của dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo ông Trần Đình Thiên, dịch bệnh tác động tiêu cực nhưng một phần do cấu trúc doanh nghiệp của chúng ta đa phần là nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 96%), cùng với đó là thiếu các tập đoàn lớn và nếu có cũng chưa được yểm trợ. Nhìn chung nước ta cần có một thời gian phát triển dài và nền kinh tế vẫn còn chưa đủ mạnh để chống chọi với các làn sóng lớn, gây ảnh hưởng toàn cầu. Đất nước đã ký được rất nhiều hiệp định phát triển thương mại quốc tế nhưng doanh nghiệp trong nước lại không đủ thực lực để đáp ứng.

Các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa lắng nghe bài giảng.
Các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa tại lớp bồi dưỡng trực tuyến

Trong bối cảnh phát triển mới, từ sức ép của thị trường quốc tế, tác động của dịch bệnh, thiên tai, GS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần có thêm những năng lực đặc biệt. Một vấn đề nữa cần phải được nhắc tới, đó là kinh tế số lên ngôi, không gian mạng tồn tại nhiều cơ hội nhưng cũng đầy ắp sự rủi ro, trong đó vai trò của chính quyền về an ninh mạng cũng thay đổi rất nhiều.

Đại biểu – người tạo hành lang pháp lý

Theo ông Trần Đình Thiên, các cuộc khủng hoảng là cơ hội để sáng tạo, thay đổi và đặt ra các mục tiêu mới đối với một nền kinh tế (kể cả kinh tế địa phương hay kinh tế của đất nước). Do đó, chúng ta không những phải đối phó mà còn không được phép bỏ lỡ các cuộc khủng hoảng. “Đây chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi và chuyển sang nền kinh tế công nghệ cao” – ông Trần Đình Thiên nói.

Các đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk tham gia lớp tập bồi dưỡng.
Các đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk tham gia lớp bồi dưỡng

Ở một khía cạnh khác, GS TS Trần Đình Thiên cũng nói đến vai trò của các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp lớn.  Việc một địa phương mời được các tập đoàn lớn đầu tư vào thị trường của mình sẽ làm thay đổi rất nhiều nền kinh tế của tỉnh trong thời gian ngắn.

Nhất là hiện nay, thế giới không còn phát triển từng doanh nghiệp nhỏ lẻ mà theo chuỗi. Các doanh nghiệp nên gắn mình vào các chuỗi sản xuất để tăng sức cạnh tranh, chia sẻ khó khăn và nâng cao giá trị sản phẩm. Vai trò của chính quyền của địa phương trong việc cơ cấu lại mô hình sản xuất, nền kinh tế là rất quan trọng và cần có sự chọn lọc, học tập bài bản từ kinh nghiệm của quốc tế cũng như các chuyên gia nước ngoài. Ngược lại, việc một địa phương mời được các tập đoàn lớn đầu tư vào thị trường của mình sẽ làm thay đổi rất nhiều nền kinh tế của tỉnh trong thời gian ngắn.

Các đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long tham gia lớp tập bồi dưỡng.
Các đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long tham gia lớp bồi dưỡng

Giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đặt mục tiêu là nước đang phát triển theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình 4.700-5.000 USD; trong đó, kinh tế số chiếm 25%. Nhìn nhận từ thực tiễn để đạt được mục tiêu đó, nước ta cần phải thay đổi cấu trúc phát triển để trở thành nền kinh tế thị trường có tính canh tranh cao, phải dựa trên các định hướng khởi nghiệp sáng tạo, phát triển từ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là CMCN 4.0. Đồng thời, tự chủ trong chủ trương, đường lối, chiến lược kinh tế đất nước.

Đặc biệt, muốn hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế lớn mạnh, Việt Nam phải xây dựng một lực lượng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh. Lúc này, các đại biểu HĐND cần tham mưu để xây dựng hành lang pháp lý, tháo bỏ các trói buộc giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển - bởi kinh tế tư nhân chính là thành phần chính của nền kinh tế thị trường. Hay nói cách khác, nếu chúng ta có những chính sách thông thoáng thì các doanh nghiệp tư nhân mới có cơ hội để phát triển và đủ nội lực cho tiến trình hội nhập.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cần quan tâm tới hai chiến lược mục tiêu kinh tế và y tế trong đại dịch. Cùng với đó là tham mưu các giải pháp hỗ trợ kinh tế - xã hội cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Các chiến lược khi đưa ra cần xoay quanh 2 trục “phục hồi” và “phát triển” mang tính dài hạn và cơ bản. Các chiến lược, tham mưu của đại biểu cần dựa trên các lĩnh vực cơ bản và đang cấp bách cho sự phục hồi như y tế, xã hội, kinh tế. Trong đó, về kinh tế, nên quan tâm tới việc xây dựng các chính sách hỗ trợ chi phí, tiếp cận vốn, lưu thông nguồn lực và đặc biệt đại biểu cần lắng nghe những lo toan của doanh nghiệp để giúp họ tháo gỡ, tư vấn và tìm phương hướng tháo gỡ.

Dương lê