ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế): Phát huy lợi thế con người, bảo đảm người lao động là chủ thể

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 10:34 - Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng: Quá trình phát triển, đổi mới mô hình đào tạo, hướng đào tạo nghề nghiệp, phát triển kinh kế, dịch vụ cần nhanh chóng toàn dụng lực lượng lao động với năng suất cao và thu nhập thỏa đáng đến khi "cửa sổ vàng" kết cấu tuổi dân số đóng lại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế)

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, qua kết quả điều tra lao động việc làm qua các năm 2019-2020, quy mô lao động tăng nhưng tốc độ tăng đang giảm dần, chủ yếu do tác động của già hóa dân số. Giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm quy mô lực lượng lao động tăng trên 560 nghìn người, nhưng giai đoạn từ 2015 trở lại đây, bình quân mỗi năm tăng chưa đến 400 nghìn người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động rất cao nhưng bắt đầu có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể năm 2011 là 77,07 %, 2015 là 77,4%, 2016 là 77,27% đến năm 2020 tụt xuống còn 74,4%. Những đặc điểm này của lực lượng lao động đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để góp phần tăng năng suất lao động và giải quyết việc làm cho phù hợp, cũng như bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Vì vậy, cần phải phát huy lợi thế con người, bảo đảm người lao động là chủ thể. Quá trình phát triển, đổi mới mô hình đào tạo, hướng đào tạo nghề nghiệp, phát triển kinh kế, dịch vụ cần nhanh chóng toàn dụng lực lượng lao động với năng suất cao và thu nhập thỏa đáng đến khi "cửa sổ vàng" kết cấu tuổi dân số đóng lại. Chuyển nhanh lao động phi chính thức thành chính thức, từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn sang thành thị..

Thứ hai, trong nhóm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, 10 đề án quy hoạch liên quan chủ yếu sẽ phải hoàn thành trong giai đoạn 2021-2022 đòi hỏi sự tập trung cao độ của bộ chủ trì và các cơ quan liên quan. Đặc biệt là việc phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến độ khí hậu giai đoạn 10 năm tới. Bên cạnh đó, cần tạo đột phá trong chuyển dịch kinh tế hộ, chủ yếu là nông dân thành kinh tế hợp tác hay hợp tác xã, thúc đẩy nâng cấp hợp tác xã thành doanh nghiệp hay kinh tế khởi nghiệp, nhằm góp phần hình thành hệ sinh thái hợp tác xã với doanh nghiệp, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ với tập đoàn kinh tế mạnh. Từ đó tạo liên kết vùng, chọn ngành có lợi thế nhất để giúp đỡ nhau phát triển bền vững.

Thứ ba, trong nhóm cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng số, công nghệ số để phát triển trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 cần cơ cấu lại ngành du lịch nhằm thích nghi với tình hình mới.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Cải tiến tổ chức hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quyết định của Chính phủ. Đây là cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nên cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu trong hoạt động.

Thứ năm, trong nhóm cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, việc phát triển quỹ tín dụng nhân dân nhằm hướng tới mục tiêu chủ yếu là giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, đề nghị xây dựng tiêu chí và cơ chế hoạt động quỹ cụ thể, có lồng ghép các nguồn tín dụng.

Thứ sáu, phát triển thị trường quyền sử dụng đất, quỹ đất các loại cần được kiểm kê thực địa, thực chất, tránh chồng lấn, phá vỡ môi trường sinh thái và hệ sinh thái hạ tầng sinh tồn của nhân dân, của đất nước. Để giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội cần giải quyết căn cơ những bất cập trong quy hoạch và đất đai một cách rõ ràng, thấu đáo...

Nam Anh