Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025

- Thứ Ba, 13/10/2020, 13:06 - Chia sẻ
Ngày 13.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chính thức khai mạc với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Đại hội.

Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo một số cơ quan Trung ương...

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá
Với chủ đề “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá”, Báo cáo Chính trị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh trình bày nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XIII đề ra và đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,3%/năm; quy mô kinh tế tỉnh tăng gần 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. GRDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt 49,96 triệu đồng/người, tăng gần 1,47% lần so với đầu nhiệm kỳ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Đại hội

Nhiều chủ trương, giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã... đã được triển khai thực hiện đồng bộ và xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chuỗi giá trị nông sản (chủ lực là lúa gạo, mía đường, thủy sản, cây ăn quả) đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 32/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết; có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên 41 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với năm 2015.

Sản xuất công nghiệp và xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,87%/năm; tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng bình quân 10,28%/năm. Thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 7,64%/năm, đạt 100% kế hoạch. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã huy động khoảng 90.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội xây dựng để kết cấu hạ tầng, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 24,7% năm 2015 lên 26,7% năm 2020.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,1% (giảm bình quân trên 2%/năm). 5 năm qua, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 90.632 lao động, đạt 120,8% chỉ tiêu Nghị quyết. Các cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mạng lưới y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở, từng bước được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là 90,21%, vượt 7% chỉ tiêu Nghị quyết. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người có công được triển khai thực hiện đầy đủ. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu phát biểu khai mạc Đại hội  

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chỉ đạo thực hiện toàn diện. Công tác giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được chú trọng, tăng cường; công tác dân vận có nhiều đổi mới, sáng tạo; phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Báo cáo Chính trị cũng nêu một số hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua. Đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người chưa đạt Nghị quyết đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp chưa khắc phục được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, phát triển thiếu bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển; công tác chính trị - tư tưởng trong nội bộ và trong nhân dân có lúc chưa hiệu quả; một số tổ chức đoàn thể chậm đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp…

Chủ tịch Đoàn Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025  

3 nhiệm vụ đột phá
Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu: Đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm; GRDP bình quân đầu người là 77 - 80 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn (5 năm) theo giá thực tế từ 99.000 - 100.000 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt từ 70% trở lên;  tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã và công nhận thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu hàng năm, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu; đến năm 2025, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (VIET NAM ICT INDEX) trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu...

Trên cơ sở đó, Báo cáo Chính trị xác định 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025:

Thứ nhất, xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp.

Thứ hai, tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp.

Thứ ba, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm “kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quang cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025  

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, những kết quả của nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các nhiệm kỳ trước để tiếp tục kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Trưởng ban Tổ chức Trung ương bày tỏ nhất trí và đánh giá cao Báo cáo Chính trị và các văn bản do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIII trình Đại hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính xây dựng và tính chiến đấu cao. Đồng thời nhấn mạnh, gợi mở 6 nhiệm vụ trọng tâm cho Đảng bộ tỉnh Hậu Giang khóa mới:

Một là, tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân. Cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, nguồn lực và khát vọng, chuyển hóa được truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của Hậu Giang thành nguồn lực để phát triển; biến khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên; phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; đồng thời tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài là quan trọng, đột phá. 

Hai là, tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cần xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những hạn chế của địa phương trong mối tương quan của khu vực và cả nước để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2030.

Bốn là, giữ gìn và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững.

Năm là, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và gắn với thế trận lòng dân vững chắc. 

Sáu là, Đảng bộ Hậu Giang cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc những yếu tố tác động, tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh nhà tiếp tục có bước phát triển mới. 

Vũ Châu