Đảm bảo chặt chẽ việc nối lại hoạt động bay thương mại quốc tế

- Thứ Năm, 09/12/2021, 19:25 - Chia sẻ
Chiều 9.12, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thông tin liên quan đến việc nối lại các đường bay thương mại quốc tế và việc công nhận hộ chiếu vaccine.

Triển khai các chuyến bay thương mại quốc tế phải thực hiện chặt chẽ

Thông tin về việc ngày 7.12 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam theo hai giai đoạn và dự kiến bắt đầu từ ngày 15.12 tới, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết trước đó, ngày 30.11 vừa qua, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải cùng một số cơ quan liên quan đã có cuộc họp liên ngành với các hãng Hàng không để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi nối lại các chuyến bay quốc tế.

"Về cơ bản, Bộ Ngoại giao chia sẻ với Bộ Giao thông Vận tải về tầm quan trọng của việc nối lại hoạt động bay thương mại quốc tế thường lệ đối với kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế. Việc triển khai các chuyến bay phải thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng và đáp ứng các yêu cầu y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam," bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Các hãng hàng không chuẩn bị kỹ càng cho việc mở lại đường bay quốc tế sau thời gian dài bị tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, kế hoạch nối lại hoạt động bay thương mại quốc tế sẽ chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 15.12 tới, tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các điểm đến có hệ số an toàn cao gồm Bắc Kinh, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco hoặc Los Angeles.

Giai đoạn hai, dự kiến bắt đầu từ tháng 1.2022, ngoài các điểm đến ở giai đoạn 1, sẽ tính đến đề xuất mở thêm các đường bay đến Kuala Lumpur, Hong Kong, Paris, Frankfurt, Sydney và Moskva.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại gia nêu rõ: Các trường hợp hiện nay được nhập cảnh vào Việt Nam phải là công dân Việt Nam; những người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, chuyên gia; nhà đầu tư; lao động tay nghề cao và nhân thân của họ; học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam.

Các trường hợp tới Việt Nam để tìm hiểu thị trường, tham dự hội nghị, hội thảo, thăm thân và người Việt Nam ở nước ngoài về thăm thân, khách du lịch quốc tế tham gia các chương trình thí điểm du lịch tại Việt Nam phải có giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh.

Những người nhập cảnh sẽ phải tuân thủ các điều kiện về y tế, cách ly trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Sớm ban hành mẫu hộ chiếu vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế

Về tiến độ triển khai việc công nhận hộ chiếu vaccine, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã rất tích cực trao đổi với khoảng 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng khẩn trương hoàn tất các giải pháp phần mềm để sớm ban hành mẫu hộ chiếu vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tính đến đầu tháng 12 này, các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Belarus đã công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về chủng loại vaccine. Ấn Độ và Canada đã nhất trí về mặt nguyên tắc, cùng với đó một số đối tác khác; trong đó có các nước ASEAN, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang xem xét tích cực đề nghị của phía Việt Nam và chờ phía Việt Nam ban hành giới thiệu mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất.

Tính đến 8.12, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine hay còn gọi là hộ chiếu vaccine của 78 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

"Việc công nhận là cơ sở để người mang giấy tờ này được trực tiếp sử dụng ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19," Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.

Theo TTXVN