Dân chủ, đúng luật, đúng thời gian quy định

- Thứ Tư, 24/02/2021, 05:56 - Chia sẻ
Đến thời điểm này, tất cả các địa phương cả nước đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bảo đảm dân chủ, đúng luật, đúng thời gian theo quy định. Báo cáo tổng hợp kết quả Hội nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho thấy, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương) là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu, trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ số dư rất cao. Bên cạnh đó, hiện chỉ có 5 tỉnh, thành phố đã dự kiến số lượng cụ thể những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Ban Thường trực) cho biết, ngày 4.2.2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV; cơ bản nhất trí với dự kiến cơ cấu, thành phần số lượng như tại Nghị quyết số 1193/NQ-UBTVQH14, ngày 23.1.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV.

Bên cạnh đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề như: Giữ nguyên số lượng đại biểu khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên như số lượng đại biểu của Khóa XIV nhằm bảo đảm và phát huy vai trò đại diện của Nhân dân trong Quốc hội, phù hợp với xu hướng ngày càng mở rộng về tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân. Tăng tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng để bảo đảm sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng. Quan tâm lãnh đạo để bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV có ít nhất 35% trên tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội. Quan tâm đến cơ cấu đại biểu Quốc hội đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, đây là những lĩnh vực quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số có người được ứng cử đại biểu Quốc hội.

Biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất và các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm thời gian luật định.

Ở địa phương, tính đến hết ngày 17.2.2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Nhìn chung, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương diễn ra dân chủ, đúng luật, theo đúng Nghị quyết liên tịch số 09/2021 ngày 15.1.2021 hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kết quả cụ thể của Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất cho thấy: Tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương) là: 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XIV là 2,04 lần; Quốc hội Khóa XIII là 2,2 lần; Quốc hội Khóa XII là 2,23 lần). Một số tỉnh có tỷ lệ số dư cao như: Quảng Ninh là 4,5 lần; Thái Nguyên là 3,57 lần; Lào Cai là 3,5 lần... Tuy nhiên cũng có một số nơi tỷ lệ số dư khá thấp như: Hà Giang, Gia Lai, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…

Về bầu cử đại biểu HĐND, từ ngày 3.2.2021 - 17.2.2021, Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu HĐND. Theo đó, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử là: 7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là: 3.715 đại biểu; đạt tỷ lệ bình quân là 2,06 lần trên số đại biểu được bầu (cuộc bầu cử năm 2016 là 1,66 lần; năm 2011 là 2,02 lần). Nhiều nơi có tỷ lệ cao, tuy nhiên một số nơi tỷ lệ này còn thấp.

Cơ cấu kết hợp trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử như sau: Người ứng cử là phụ nữ có 1.690 người, chiếm tỷ lệ 22,1%; người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 748 người, chiếm tỷ lệ 9,8%; người ứng cử là người trẻ tuổi có 814 người, chiếm tỷ lệ 10,6%; người ứng cử là người ngoài Đảng có 555  người, chiếm tỷ lệ 7,2%; dự kiến người tự ứng cử là 20 người.

Chỉ có 5 tỉnh dự kiến số lượng người tự ứng cử

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất, có 5 địa phương đã dự kiến số lượng người tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV gồm: Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang. 58 tỉnh, thành phố còn lại không dự kiến số lượng người tự ứng cử hoặc không thể hiện rõ số lượng người tự ứng cử.

Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn ra phức tạp, trùng vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện các công việc về bầu cử. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất ở Trung ương và địa phương vẫn được diễn ra dân chủ, đúng luật, đúng thời gian theo quy định. Tại nhiều hội nghị hiệp thương đã thể hiện không khí thực sự dân chủ trong việc đóng góp các ý kiến đối với bản dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Thường trực HĐND; về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và điều kiện tham gia của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay.  

Qua Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất ở một số địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, ở một số địa phương chưa thống nhất để hiệp thương tổng số người dự kiến giới thiệu ứng cử (bao gồm số lượng đại biểu được bầu và số người ứng cử để bảo đảm số dư theo quy định của pháp luật). Bên cạnh đó, do tiến hành đồng thời việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ Nhất bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở địa phương, số lượng công việc nhiều, thời gian gấp nên việc báo cáo kết quả hiệp thương bầu cử đại biểu HĐND cả ba cấp ở địa phương chưa bảo đảm kịp thời. Các tỉnh, thành phố chủ yếu mới chỉ tổng hợp theo tiến độ ở cấp tỉnh; còn cấp huyện, cấp xã đến thời điểm này chưa tổng hợp gửi về Trung ương.

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương và các tổ chức thành viên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét điều chỉnh cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu như phụ nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi... để phù hợp với đặc điểm, tình hình của một số địa phương; giải thích hoặc điều chỉnh cơ cấu kết hợp là đại biểu tái cử bởi nhiều địa phương kiến nghị số lượng đại biểu tái cử phân bổ xuống địa phương nhiều khiến địa phương khó bố trí, sắp xếp người giới thiệu ứng cử (cần phân bổ cơ cấu phù hợp với nguồn nhân lực hiện có và gắn với công tác cán bộ của các địa phương).

Quỳnh Chi