Thực hiện chương trình OCOP Hà Nội

Dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP

- Thứ Bảy, 14/08/2021, 06:44 - Chia sẻ
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hỗ trợ của đơn vị tư vấn cùng sự vào cuộc chủ động của các địa phương, đến nay, Hà Nội vẫn bảo đảm tiến độ đánh giá sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo kế hoạch trong giai đoạn 2019 - 2020. Toàn thành phố đã tổ chức phân hạng, công nhận 1.054 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao và tiềm năng 5 sao. Hà Nội đang là địa phương đi đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Hơn 1.000 sản phẩm OCOP được công nhận 

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: 2 năm qua, thành phố đã phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP của 74 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 99 hộ sản xuất kinh doanh. Trong đó, có 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,61%); 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,36%); 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29,03%). Về cơ cấu, có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,56%); 30 sản phẩm đồ uống (chiếm 2,85%); 7 sản phẩm thảo dược (chiếm 0,66%); 27 sản phẩm vải, may mặc (chiếm 2,56%); đồ lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm (chiếm 28,37%). Chương trình OCOP cũng đã giải quyết và tạo việc làm cho trên 5.000 lao động khu vực nông thôn.

Sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội được Hội đồng thẩm định đánh giá, xếp loại Ảnh: Khánh Duy
Sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội được Hội đồng thẩm định đánh giá, xếp loại
Ảnh: Khánh Duy

Đáng chú ý, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Cả nước có tổng số 20 sản phẩm được Hội đồng thẩm định Trung ương chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao. Trong đó, Hà Nội có 4 sản phẩm đều do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) sản xuất.

Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết: Với quy chuẩn chất lượng thống nhất, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của công ty không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu. 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao của công ty vừa qua gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen. Hiện, công ty đang nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm chất lượng, mang tinh hoa hồn cốt của làng nghề để chinh phục thị trường quốc tế.

Cũng giống như Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Hợp tác xã rau Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm rau mầm, rau baby tại các hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích. Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ: Hợp tác xã rau Thanh Hà đã có 15 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP và đều được công nhận tiêu chuẩn 4 sao. "Việc được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP sẽ là "giấy thông hành" về chất lượng và uy tín để Hợp tác xã thúc đẩy quảng bá, hợp tác với các đối tác đưa sản phẩm của đơn vị vào các chuỗi siêu thị lớn, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm", bà Hà nhấn mạnh.

Phấn đấu thêm 400 sản phẩm đạt 3 sao trở lên

Hà Nội đang là địa phương đi đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã tích cực chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức định kỳ kiểm tra các sản phẩm; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn xếp loại và các quy định khác của Nhà nước theo quy định... Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều làng nghề bị đình trệ, đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa, du lịch làng nghề.

Để thúc đẩy tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP, thành phố đã tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành phố đã xây dựng được 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Mới đây, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội tổ chức “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội” với sự tham gia của 10 chủ thể. Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam, có ý nghĩa tích cực đối với các chủ thể OCOP Hà Nội trong bối cảnh đầu ra của sản phẩm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Văn phòng cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 tổ chức các lớp trực tuyến tập huấn bán hàng online, livestream hoàn toàn miễn phí cho các chủ thể OCOP. Thông qua đó, các chủ thể OCOP có thêm kỹ năng bán hàng online trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Trong năm 2021, TP. Hà Nội sẽ phấn đấu có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.

Để đẩy mạnh Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, sẽ có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hiện, Sở đã tổng hợp ý kiến góp ý của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương; các sở, ban, ngành của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Khánh Duy