Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Đan Phượng xây dựng nông thôn kiểu mẫu, hướng tới đô thị tương lai

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 09:29 - Chia sẻ
Sau khi trở thành huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Hà Nội vào năm 2015, huyện Đan Phượng tiếp tục giữ vững vị thế “lá cờ đầu” của thủ đô trong xây dựng NTM nâng cao. Đến hết năm 2019, huyện có 9/15 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đan Phượng đang phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao tại 100% số xã trong năm 2020. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng Đan Phượng trở thành huyện NTM kiểu mẫu của thủ đô.

Nỗ lực gìn giữ, phát huy thành quả nông thôn mới

Năm 2015, Đan Phượng vinh dự là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Ngay sau đó, huyện xác định khi chưa trở thành quận thì mục tiêu xây dựng NTM chưa có điểm dừng. Do đó, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương và thành phố về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhưng huyện đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, trong đó chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ: những ngày đầu bắt tay xây dựng NTM nâng cao có rất nhiều vấn đề đặt ra, huyện cũng còn nhiều lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, Đan Phượng đã xác định được những nhiệm vụ trọng tâm. Điển hình là việc tổ chức lại sản xuất, công tác bảo vệ môi trường, nâng cấp cơ sở vật chất, gắn kết tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, huyện khảo sát các nhu cầu thực tế của người dân và trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đề ra các chương trình cụ thể và khái quát các nhiệm vụ trong xây dựng NTM nâng cao thành khẩu hiệu: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”; “tập trung về tuyên truyền và huy động nguồn lực, 4 trụ cột trong nông nghiệp, 5 điểm nhất về văn hóa - xã hội”.

Theo đó, trong sản xuất, huyện tập trung xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề và đã thu hút được hàng trăm hộ dân vào sản xuất với mức đầu tư hàng tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh việc thành lập các HTX, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, các khu chăn nuôi xa khu dân cư để hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, công tác phòng chống dịch bệnh cũng như phát triển đàn vật nuôi được ổn định, sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, Đan Phượng tập trung hoàn thiện các công trình phúc lợi dân sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Đến nay, huyện đã có 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 10 trường đạt chuẩn cấp độ 2. Nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người dân được đáp ứng. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Đan Phượng xây dựng kế hoạch, tổ chức cuộc thi thôn, phố sáng - xanh - sạch -  đẹp an - toàn. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo huyện đi chấm điểm và trao giải. Đơn vị đoạt giải nhất sẽ mời tất cả các đơn vị khác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tạo không khí thi đua trong nhân dân.

Khởi đầu từ 3 xã (Ðan Phượng, Song Phượng và Liên Trung), đến nay, huyện Đan Phượng đã có 9/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã còn lại đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí và đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ trình thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng khẳng định: “Đến cuối năm nay, Đan Phượng sẽ có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là kỳ tích đối với một huyện thuần nông vốn nhiều khó khăn và đang từng ngày nỗ lực vươn lên; đồng thời, là động lực để Đan Phượng tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu”.

Theo định hướng của huyện, người dân Đan Phượng đang nỗ lực ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp đô thị  

Ảnh:  Tường Vy

Hướng tới huyện nông thôn mới kiểu mẫu tiệm cận tiêu chí đô thị

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ, trong xây dựng NTM cũng như NTM nâng cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của hệ thống chính trị rất quan trọng. Thực tế ở Đan Phượng, đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tâm huyết, vì dân. Trong trường hợp cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, huyện kiên quyết thay thế để không làm ảnh hưởng đến phong trào xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, huyện đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về nguồn vốn; đồng thời, tích cực lồng ghép, huy động nguồn xã hội hóa tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí. Điển hình như hỗ trợ 600 triệu đồng để các địa phương gắn biển số nhà, đặt tên đường làng, ngõ xóm; mỗi xã về đích năm 2019 được ngân sách huyện hỗ trợ 500 triệu đồng/xã… Ông Hùng cũng khẳng định: “Ngoài những phương án trên, yếu tố quan trọng nhất mang tới thành công cho Đan Phượng là sự đồng thuận của người dân. Việc phát huy dân chủ, công khai, minh bạch tất cả các khâu trong xây dựng NTM đã tạo được niềm tin rất lớn từ nhân dân đối với các cấp chính quyền. Nhờ đó, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được thuận lợi hơn”.

Trên cơ sở thành công đó, mục tiêu trước mắt của Đan Phượng đến cuối năm 2020 là phấn đấu thu nhập bình quân đạt 61,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm xuống còn 0,17%. Nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, y tế, môi trường nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo 6 xã còn lại hoàn thiện hồ sơ trình thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân xây dựng huyện đạt huyện NTM kiểu mẫu; xã Đan Phượng đạt xã NTM kiểu mẫu thủ đô. Đó cũng là tiền đề triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đan Phượng thành quận vào năm 2025 đã được UBND thành phố phê duyệt. Phấn đấu thu nhập bình quân đạt 95 triệu đồng/người/năm trở lên, không còn hộ nghèo; hàng năm giải quyết việc làm mới cho 3.000 lao động.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng bộ huyện Đan Phượng đề ra 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đó là huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng tiêu chí quận; tạo thế và lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo dựng cảnh quan đô thị. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền; tập trung xây dựng chính quyền đô thị, tăng cường cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề có thế mạnh. Huy động các nguồn lực đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, rác thải ở các cụm công nghiệp - làng nghề. Cùng với nỗ lực của huyện, Đảng bộ và chính quyền huyện Đan Phượng mong muốn thành phố sớm triển khai các dự án đi qua địa bàn huyện như đường Tây Thăng Long, đường Vành đai 4, Vành đai 3,5 và các tuyến tỉnh lộ nhằm hoàn thiện và bảo đảm kết nối giao thông theo tiêu chí quận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với định hướng rõ ràng, cách làm sáng tạo, linh hoạt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tin rằng Đan Phượng sẽ sớm trở thành một đô thị hiện đại, một quận ngoại thành phát triển của Hà Nội.

Đào Cảnh