Đằng sau những con số

- Thứ Hai, 09/11/2020, 06:34 - Chia sẻ
Để đạt tỷ lệ che phủ rừng ước tính 42% như hiện nay là sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, cũng như sự đồng lòng của các địa phương. Nhưng con số này chưa cho thấy rõ giá trị nội tại của rừng, trong khi đó, nếu tỷ lệ che phủ của rừng tự nhiên giảm thì tác động của con số này sẽ khác. Đây là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn "tư lệnh" ngành nông nghiệp tuần trước.

Thành công được quốc tế ghi nhận

Cuối năm 2011, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 18/2011/QH13 về kết thúc việc thực hiện Nghị quyết số 08/1997/QH10 và Nghị quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn 2011 - 2020, theo đó, sẽ không còn tập trung về nguồn lực như triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trước đó. Kế hoạch này thực hiện theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủy điện Rào Trăng 3
Nguồn: ITN

Thực tế, sau 10 năm thực hiện kế hoạch, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tiếp tục tăng, từ 39,7% năm 2011 lên 40,84% năm 2015, 41,89% năm 2019 và năm 2020 ước đạt khoảng 42%. Như vậy, tỷ lệ che phủ rừng đến nay đã đạt chỉ tiêu nhiệm vụ giao và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng diện tích rừng trên cả nước là 14,609 triệu ha rừng, thì diện tích rừng tự nhiên là 10,292 triệu ha; rừng trồng là 4,317 triệu ha; rừng đặc dụng là 2,161 triệu ha; rừng phòng hộ là 4,646 triệu ha và rừng sản xuất là 7,801 triệu ha.

Bên cạnh tỷ lệ che phủ rừng, công tác trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai, nhờ đó, trung bình mỗi năm toàn quốc trồng được khoảng 230 nghìn ha (trong đó có khoảng 215 nghìn ha rừng sản xuất). Diện tích rừng trồng mới không chỉ góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, còn tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng cho công nghiệp chế biến gỗ. Sản lượng gỗ và giá trị xuất khẩu lâm sản đều tăng 3 - 4 lần so với năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, sản lượng khai thác giảm từ 350 nghìn m3 năm 2011 xuống 160 nghìn m3 năm 2013; năm 2015 chỉ có 2 công ty lâm nghiệp thí điểm áp dụng phương án quản lý rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC quốc tế được phép khai thác khoảng 2.000m3. Đặc biệt, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc.

Với tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân khoảng 5,6%/năm; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 12,5 tỷ USD vào năm 2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Hồ Quốc Tuấn cho biết, quốc tế ghi nhận và đánh giá cao thành công của ngành lâm nghiệp Việt Nam. “Thành công này đạt được do thực hiện chính sách xã hội hóa khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng. Nhiều diện tích rừng hiện nay giao cho hộ gia đình quản lý, nhờ đó được bảo vệ hiệu quả hơn so với một số thời điểm trước đó”, Thứ trưởng Hồ Quốc Tuấn nhận định.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Là người con của mảnh đất miền Trung “gió Lào bỏng rát”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng vui mừng nhận thấy, trước đây về quê phải đi qua những con đường nắng rát, chỉ thấy mênh mông cồn cát trắng, nhưng nay đã rợp bóng cây xanh. Sự thay đổi này không chỉ ở miền Trung, mà còn thấy ở nhiều vùng miền khác trên cả nước. Nhiều địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn 50% như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái, Nghệ An… Người dân ở các địa phương cũng đã có ý thức bảo vệ rừng hơn, giúp chúng ta yên tâm hơn với việc thực hiện công tác này trong thời gian tới. Đặc biệt, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 nằm trong số không nhiều dự án, kế hoạch được thực hiện thành công trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng đánh giá.

Nhưng con số này có lẽ cũng chưa làm yên lòng các đại biểu. Theo ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), trong kết quả đạt được, ngoài tỷ lệ che phủ rừng chung, thì cần đánh giá tỷ lệ che phủ của rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Nếu tính chung sẽ không đánh giá chính xác được, vì giá trị của rừng sản xuất khác hẳn với giá trị của rừng tự nhiên, rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ. Nếu tỷ lệ che phủ rừng chung tăng, nhưng trong đó tỷ lệ che phủ của rừng tự nhiên giảm thì tác động của con số này sẽ khác và bắt buộc chúng ta phải cải thiện trong giai đoạn tới. Cũng theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, không thể tính đơn thuần 1ha rừng đặc dụng thay bằng 5ha rừng trồng, vì hiệu quả của hai loại rừng này khác nhau.

Nhìn từ mục tiêu tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân gắn với trồng rừng, gắn với thực hiện quốc phòng - an ninh, ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, cần xem xét lại một số số liệu. Cụ thể, báo cáo của Chính phủ dẫn con số sản lượng khai thác gỗ phục vụ cho chế biến dự kiến tăng 4 lần so với năm 2011, tăng gấp đôi về kim ngạch xuất khẩu, nhưng số liệu thể hiện giá trị (như giá trị gỗ qua chế biến) không được báo cáo. Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, số liệu này cần được làm rõ, vì gắn với mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2021 được Chính phủ đưa ra là kim ngạch xuất khẩu lâm sản, sản phẩm từ gỗ trung bình hàng năm từ 18 - 20 tỷ USD.

Nếu tỷ lệ che phủ rừng phấn đấu giữ 42%, trồng bổ sung khoảng 230 nghìn ha/năm, tức là ổn định khai thác và trồng bù, thì thật khó để có căn cứ đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản lên mức 20 tỷ USD từ năm 2021, trong khi năm 2020 này ước đạt mức 18 tỷ USD. Đại biểu Mai Sỹ Diến cũng lưu ý, báo cáo của các cơ quan chức năng chưa đưa ra chính sách căn cơ để thực hiện được mục tiêu đề ra. Nếu không có giải pháp căn cơ có lẽ chỉ do khai thác rừng tự nhiên, dựa vào khai thác rừng trồng khó thể đạt được mục tiêu này (?).

ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) bày tỏ lo ngại về tình trạng chưa được đưa vào báo cáo, khi có xu hướng tính cây công nghiệp dài ngày vào để tính độ che phủ rừng của địa phương. Dù Luật Lâm nghiệp không quy định, đây là một loại rừng và việc tính độ che phủ của diện tích cây công nghiệp cũng không có tính bền vững. Đại biểu Đinh Duy Vượt cũng lưu ý, thực tế đã cho thấy rõ việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su gây hậu quả nặng nề như thế nào. “Rừng mất, cây cao su không còn, hệ sinh thái cũng mất. Những cây công nghiệp dài ngày đúng là có độ che phủ, nhưng không có tính đa dạng sinh học, đặc biệt là không thể giúp chống mưa lũ, hay trở thành hồ chứa nước ngầm như rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng”. Trước mối nguy này, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị, Bộ NN - PTNT cần quan tâm chỉ đạo để tránh lợi dụng đưa diện tích cây công nghiệp vào tính độ che phủ rừng.

Chưa có con số thống kê đầy đủ về những hậu họa của việc để suy giảm diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nhưng, như thừa nhận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy, việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội mà chưa được kiểm soát chặt... cũng là nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi lũ lụt xảy ra.

Trong báo cáo về nội dung này, Chính phủ chỉ đề nghị, Quốc hội xem xét kết thúc thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 08/1997/QH10 và Nghị quyết số 73/2006/QH11 về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Định hướng cho giai đoạn tới dường như vẫn là câu hỏi để ngỏ. Tăng độ che phủ rừng là chỉ số rất đáng mừng, nhưng có lẽ cần phân tích sâu hơn mặt sau của những con số để có giải pháp căn cơ và tầm nhìn dài hạn hơn cho vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Thanh Hải