Triển khai giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”

Đánh giá cho được vì sao chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành

- Thứ Tư, 22/09/2021, 11:53 - Chia sẻ
Cho ý kiến về các nội dung triển khai giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành tại phiên họp sáng nay, 22.9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc ban hành và tổ chức thực thi các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch rất chậm, tác động nhiều đến phát triển vì quy hoạch phải đi trước một bước. Do đó, phải đánh giá cho được lý do vì sao chậm.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Kịp thời xử lý tồn tại

Với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” (Báo cáo). 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, mục đích của cuộc giám sát là đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.

Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, kết thúc hoạt động giám sát sẽ có báo cáo đánh giá cụ thể: việc sử dụng nguồn lực cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch và chất lượng của công tác tư vấn quy hoạch; tiến độ, cách thức triển khai công tác lập, thẩm định và quyết định/phê duyệt các quy hoạch; tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; việc tuân thủ các quy định về căn cứ, yêu cầu, nội dung quy hoạch của từng cấp/loại quy hoạch theo hệ thống quy hoạch quốc gia; tác động đối với công tác quản lý nhà nước, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thay thế các quy hoạch đã hết hiệu lực; việc xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống thông tin quy hoạch nhằm xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch; tác động hoặc ảnh hưởng của việc điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 khi các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; việc tổ chức thực hiện các quy hoạch.

Đồng thời, đánh giá việc quản lý các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) là những quy hoạch có ảnh hưởng lớn đến quản lý đầu tư công, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân. Phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (làm rõ những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện); Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc chậm tiến độ lập quy hoạch, lãng phí nguồn lực, chất lượng quy hoạch, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đầu tư, kinh doanh và việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về quy hoạch, pháp luật có liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.

Chất lượng quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu hay chưa?

Cơ bản đồng tình với Báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong quá trình giám sát cần chú trọng đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; xem xét việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, tổ chức thông tin tuyên truyền, kết quả thực hiện như thế nào, có bất cập của pháp luật hay không. 

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giám sát cần làm rõ những rủi ro khi thực hiện Luật Quy hoạch trong bối cảnh giao thoa giữa thời kỳ cũ và thời kỳ mới, giai đoạn này dễ nảy sinh trường hợp tranh thủ để điều chỉnh quy hoạch, không đáng điều chỉnh mà vẫn điều chỉnh. Những nội dung trọng điểm như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các ngành đều có điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, việc ban hành, tổ chức thực thi các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch rất chậm, tác động nhiều đến phát triển vì quy hoạch phải đi trước một bước. Như vậy, phải đánh giá cho được, lý do vì sao lại chậm.

Quang cảnh Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh yêu cầu trong quá trình giám sát phải đánh giá được vì sao việc lập, thông qua, phê duyệt quy hoạch còn chậm trễ và chất lượng quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu hay chưa.

Trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 chuyên đề giám sát gồm: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021”. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý khi tiến hành 4 giám sát chuyên đề này phải thống nhất nhận thức đối với cả chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát. Phải nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong tình hình mới, phù hợp với chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, 4 Đoàn giám sát phải rà soát tiến trình thời gian, các khâu, các bước cho phù hợp, tránh chồng chéo với các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước. Rà soát kỹ, xác định kế hoạch đề cương báo cáo chi tiết cho cả chủ thể giám sát, đối tượng giám sát cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nhất là tại các địa phương. Xác định trọng điểm và báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi tiến hành giám sát tại địa phương...

Hoàng Ngọc