Đánh giá kỹ lưỡng chất lượng đội ngũ cán bộ pháp chế

- Thứ Năm, 07/10/2021, 06:38 - Chia sẻ
Mặc dù có chuyển biến tích cực so với năm 2020 về số lượng cán bộ làm công tác pháp chế nhưng tại Phiên họp toàn thể thứ 2 của Ủy ban Pháp luật vừa qua, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, đặc biệt là ở địa phương trong điều kiện thực hiện yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Số lượng "đã đủ" nhưng chất lượng thế nào? 

Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, so với năm 2020, tổng số cán bộ, công chức làm công tác pháp chế năm 2021 đã tăng 847 người, hầu hết cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở Trung ương đều được đào tạo bài bản về luật, có trình độ từ đại học trở lên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ rõ, số lượng cán bộ, công chức pháp chế được đào tạo trình độ đại học luật ở địa phương chỉ chiếm 43%.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám, trình độ của cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại Trung ương và địa phương như các số liệu được báo cáo của Chính phủ đưa ra là “đã đủ”. Nhưng điều ông quan tâm hơn cả là chuyên ngành, hình thức đào tạo, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là chất lượng làm việc của các cán bộ, công chức làm công tác pháp chế như thế nào? "Rất tiếc, điều này lại chưa được làm rõ tại báo cáo của Chính phủ", ông Tô Văn Tám chỉ rõ.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở các địa phương, số Phòng Pháp chế có xu hướng giảm, chỉ còn 55 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Nhưng "Báo cáo của Chính phủ cũng chưa cho thấy có những giải pháp nào đã hoặc đang được thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật tại các địa phương trong bối cảnh phải tinh gọn bộ máy", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương chỉ rõ. 

Khắc phục tình trạng “thiếu nhân lực, định mức chi thấp”

Với các quy định tại Nghị định 55/2011 của Chính phủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) nhấn mạnh, bộ phận pháp chế là cơ quan tham mưu có vai trò quan trọng với công tác xây dựng và thực thi pháp luật ở địa phương.

Bên cạnh chức năng tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lực lượng này cũng thực hiện phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra xử lý văn bản, kiểm tra thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lực lượng làm công tác này đang thiếu do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu từ thực hiện quy định chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện tinh giản biên chế một cách cào bằng. Do áp lực thực hiện tinh giản biên chế, các cơ quan, đơn vị được giao nhiều nhiệm vụ cho bộ phận pháp chế, khiến lực lượng này có thời điểm làm các công việc khác nhiều hơn công tác pháp chế. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ và cơ chế điều chuyển, bố trí vị trí công tác với cán bộ pháp chế cũng chưa rõ ràng, nên sau một thời gian lực lượng này có xáo trộn nhất định, người làm công tác pháp chế sau một thời gian có thể không đáp ứng tiêu chuẩn được quy định tại Nghị định 55 của Chính phủ. Vì vậy, ông Bùi Sỹ Hoàn đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ pháp chế ở địa phương. 

Báo cáo của Chính phủ những năm gần đây cũng chỉ rõ cần tập trung thời gian và kinh phí cho công tác xây dựng và triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật. Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh nhận thấy, Thông tư 338/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật có định mức thấp, không chỉ thấp so với mặt bằng giá hiện nay mà còn là rất thấp so với công sức, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính sớm sửa đổi Thông tư 338 nhanh nhất, sớm nhất để tháo gỡ vấn đề này. 

Trao đổi làm rõ hơn các vấn đề được các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận, nguồn nhân lực thực hiện công tác pháp chế hiện đang bị vướng bởi chỉ tiêu giảm biên chế hàng năm. Cán bộ pháp chế cũng chỉ là một công chức bình thường, không có chức danh nghề nghiệp như một số ngành nghề đặc thù, dù nhiệm vụ và trọng trách ngày càng tăng. Hiện nay, Thông tư 338 của Bộ Tài chính đang được rà soát, nghiên cứu sửa đổi, với mức chi dự kiến tăng, nội dung chi nhiều hơn, đồng thời, thủ tục thanh quyết toán được rút gọn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng thống nhất cho rằng, các giải pháp bảo đảm kinh phí và nguồn nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) để thực hiện công tác xây dựng pháp luật phải được xây dựng nhanh nhất, sớm nhất như đại biểu Quốc hội đề nghị để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng và thực thi pháp luật. 

 

 

 

 

Thanh Hải