“Đánh giá lại quy mô GDP không phải là cách tính mới”

- Thứ Sáu, 16/08/2019, 10:13 - Chia sẻ
“Tổng cục Thống kê đang tiến hành “đánh giá lại quy mô GDP”, đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới và cũng không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định trong cuộc trao đổi với báo chí sáng 16.8.

“Đúng thông lệ quốc tế”

Ông Lâm cho biết, việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến nghị, xuất phát từ có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính.

“Việc đánh giá lại quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Thông tin thống kê sử dụng để đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào Tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các Bộ, ngành địa phương. Trong giai đoạn 2010-2017, Tổng cục Thống kê thực hiện TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, TĐT kinh tế năm 2012 và năm 2017. Đồng thời, công tác chia sẻ thông tin giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) với các Bộ, ngành ngày càng tốt hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành.

“Tổng cục Thống kê khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế”, ông Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lâm, đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam. Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản (hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh tế từ Hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007.

Đánh giá lại quy mô GDP là cần thiết

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định đánh giá lại quy mô GDP ở thời điểm này là cần thiết, vì 3 lý do.

Thứ nhất, đánh giá lại quy mô GDP nhằm đảm bảo theo thông lệ quốc tế.

Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu. Vòng 1 và vòng 2 là những đánh giá lại ngắn hạn và được các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP. Vòng 3 thực hiện điều chỉnh lớn, thường được triển khai khi có kết quả các cuộc tổng điều tra.

Ông Lâm thừa nhận “nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ”. Cụ thể, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Trong điều tra thống kê - nguồn thông tin chủ yếu và quan trọng của cơ quan Thống kê, điều tra mẫu hàng năm có thể phản ánh được xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nhưng chưa phản ánh đầy đủ toàn diện về quy mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phương pháp thu thập thông tin thống kê truyền thống và những hạn chế, bất cập trong chia sẻ thông tin từ hồ sơ hành chính giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý các cấp dẫn đến số liệu thống kê chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi về quy mô và tình hình kinh tế - xã hội hàng năm. Theo thông lệ thống kê quốc tế, khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc Tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính các cơ quan Thống kê quốc gia sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.

Thứ hai, đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm.

“Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế”, ông Nguyễn Bích Lâm nói. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, “việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025”.

Hà Lan