Đánh giá thận trọng

- Thứ Năm, 26/11/2020, 17:12 - Chia sẻ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã yêu cầu thu hồi quyết định cho Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu thu hồi quyết định này là rất cần thiết, để các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, đánh giá thấu đáo tránh những rủi ro sau này.

Trước đó, trong quyết định do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký ngày 20.11.2020, tỉnh đã đồng ý cho Công ty trên thuê 31.524m2 đất gồm 10.609m2 tại xã Trà Don và 20.914m2 tại xã Trà Nam để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2. Theo đó, diện tích hạng mục xây dựng nhà máy 2.770m2; diện tích hạng mục xây dựng đập, lòng hồ 20.914m2; diện tích hạng mục thi công đường công vụ và tháp điều áp 7.839m2. Hình thức thuê đất trả tiền hàng năm; thời hạn thuê đất đến 25.8.2059. Lý do để thu hồi quyết định này là vì chưa thực hiện đúng chủ trương của tỉnh về rà soát thủy điện vừa và nhỏ. Việc thu hồi để chờ rà soát, tổng hợp báo cáo Thường vụ cho ý kiến chung rồi mới xem xét.

Dự báo đến năm 2030, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với khó khăn về nguồn cung cấp điện. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phải song hành cùng phát triển bền vững và hiệu quả thân thiện với môi trường là yêu cầu cấp bách đặt ra.

Thủy điện Thượng Nhật chống lệnh vận hành hồ chứa bị phạt 500 triệu đồng - Ảnh 1.
Trong thời điểm bão lũ, dù có lệnh nhưng thủy điện Thượng Nhật không mở hoàn toàn 5 cửa van. Nguồn:nld.com.vn

Không thể phủ nhận những đóng góp của các nhà máy thủy điện từ lớn đến vừa và nhỏ đối với các địa phương thời gian qua. Nếu quản lý tốt, thủy điện nhỏ sẽ cho hiệu quả cao về phát điện, mang lại nguồn thu ngân sách cho địa phương, đồng thời gắn với sử dụng tốt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt và đời sống nhân dân.

Theo đánh giá Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, phần lớn các thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý, chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành, điển hình như trường hợp thủy điện Đắk Kar (Đắc Nông) và gần đây nhất là thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) gây mất an toàn cho hạ du.

Bên cạnh những kết quả tích cực mà thủy điện mang lại, công tác quản lý nhà nước về thủy điện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác. Chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành, gây bức xúc trong dư luận. Không phải ngẫu nhiên, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề phát triển các dự án thủy điện nhỏ luôn trở thành mối quan tâm của đại biểu. Nhiều đại biểu lo ngại việc phát triển thủy điện nhỏ nếu không được kiểm soát, không có đánh giá tác động thì tác hại của nó đối với môi trường, đối với kinh tế xã hội là rất lớn.

Đánh giá về vai trò của thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Nhưng nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảnh báo. Người đứng đầu ngành Công thương cũng nhấn mạnh, trong lập Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai thực hiện.

Để khai thác tiềm năng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, việc nói “không” với thủy điện nhỏ là điều không thể. Tuy nhiên, để thủy điện nói chung, thủy điện nhỏ nói riêng phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường, điều quan trọng là phải nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá các công trình thủy điện đang vận hành khai thác. Phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành, tránh tình trạng, doanh nghiệp chỉ nghĩ lợi ích của mình mà quên đi nhiệm vụ quan trọng đó bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đã đến lúc phải hết sức thận trọng, không thể lơ là với thủy điện nhỏ. Phải kiên quyết nói “không” với dự án thủy điện nhỏ không bảo đảm quy định. Bởi như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong Phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ Mười vừa qua, đó là phải xem xét vấn đề phát triển thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. Những công trình nào liên quan đến đất rừng phải trình Quốc hội, những công trình thủy điện nhỏ phải rất hạn chế.

Hà An