Đánh giá thực trạng công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp

- Thứ Tư, 02/12/2020, 19:50 - Chia sẻ
Ngày 2.12, tại Hà Nội Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm “Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp – Thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến cho biết, theo báo cáo được công bố bởi các tổ chức trong thời gian qua, đối tượng cần trợ giúp xã hội ở nước ta chiếm khoảng 28% dân số. Các đối tượng phục vụ của các Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội là khá rộng gồm người già, người tàn tật, trẻ em mồ côi, người nhiễm HIV/AIDS…

Sau hơn ba mươi năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội là những thay đổi về cấu trúc gia đình truyền thống, sự di cư từ nông thôn ra thành thị, mật độ dân số tăng ở các vùng thành thị làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp. Hiện nay, các vấn đề tiêu cực xã hội, bạo lực, bạo hành, xâm hại…đang trở thành vấn đề nhức nhối. Các đối tượng cần trợ giúp xã hội cũng ngày càng gia tăng.

Đại diện Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, ở nước ta các hoạt động công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng chủ yếu thông qua các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…Bên cạnh đó, cũng có các hoạt động tự phát và tự nguyện được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức như Hội Chữ Thập đỏ, Phụ nữ, Thanh niên.. Nhưng các hoạt động này chưa được thừa nhận là một nghề chuyên nghiệp.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, pháp lý, Bộ Tư Pháp Lê Vân Anh nêu thực tế, hiện nay đội ngũ làm công tác xã hội đang thực hiện theo vai trò kiêm nhiệm, không chuyên trách nên đã ảnh hưởng đến chất lượng trong công tác xã hội. Dịch vụ trợ giúp đang ở phạm vi hẹp mới chỉ dừng lại ở hỗ trợ pháp lý. Đặc biệt, hiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác xã hội chưa hoàn thiện.

Tại tọa đàm các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong lĩnh vực Bảo trợ xã hội đã chia sẽ những thực trạng liên quan công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và các đối tượng cần được hỗ trợ về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp cũng như các nhà quản lý có thêm góc nhìn khách quan về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Từ đó, đưa ra các giải pháp, định hướng phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp trong thời gian tới.

Nguyễn Ngân