Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đánh giá tính khả thi và hiệu quả của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

- Thứ Năm, 28/10/2021, 18:26 - Chia sẻ
Chiều 28.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Có thêm một loại thuế cho sản xuất phim ảnh?

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với việc sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành; đồng thời, đánh giá cao Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật. ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, điện ảnh là một loại hình phương tiện trực quan sinh động có ý nghĩa trong định hướng giá trị, định hướng tư tưởng, quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Phát triển điện ảnh là một nội dung trong công tác lãnh đạo văn hóa của Đảng. Việc thể chế hóa đường lối của Đảng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho nền điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này đã tiếp cận tư duy điện ảnh không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế - công nghệ - văn hóa.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Điện ảnh không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp. Khẳng định điều này, nhiều đại biểu nêu rõ, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bao trùm. Một số ý kiến lưu ý, các chính sách trong dự thảo dường như đang dành nhiều cho điện ảnh. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, theo một số ý kiến, cần tập trung xã hội hóa các hoạt động điện ảnh để các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động điện ảnh. Ngoài ra, quy định cụ thể về chính sách khuyến khích xã hội hóa, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia, trách nhiệm cũng như quyền lợi khi tham gia...

Theo quy định tại dự thảo Luật, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước. Với quy định như vậy, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị, Cơ quan soạn thảo giải trình vì sao tại khoản 7, Điều 6, dự thảo Luật quy định “Khuyến khích phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm và các sản phẩm bảo hiểm cần thiết cho hoạt động điện ảnh”. Liệu có hai loại quỹ trong một dự thảo Luật hay chỉ cần quy định Quỹ hỗ trơ phát triển điện ảnh thực hiện đầu tư mạo hiểm cho sản phẩm điện ảnh? “Ban soạn thảo cần đánh giá tính khả thi, hiệu quả của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh” là đề nghị được đại biểu Đinh Thị Phương Lan đưa ra.

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Quan tâm đến quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) nhận định, quy định tại dự thảo Luật không phù hợp với quy định liên quan tại Luật Ngân sách Nhà nước, cũng như Nghị quyết 792 của UBTVQH Khoá XIV về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực thi pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, như đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), nguồn thu của Quỹ sẽ được trích trên tỷ lệ doanh thu chiếu phim, doanh thu của các doanh nghiệp phân phối phim trên internet. Với lập luận như vậy, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nhận thấy, "nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh không khác gì một loại thuế mới đặt ra với ngành công nghiệp điện ảnh, được lấy doanh thu từ sản xuất phim, có thể ảnh hưởng đến giá vé bán cho người xem". Trong bối cảnh công nghiệp điện ảnh được khuyến khích, một số ĐBQH lưu ý, chính sách về nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ làm tăng giá thành, chi phí và giá cả, tức là đi ngược với chính sách chung.

Thực hiện hậu kiểm sẽ khả thi hơn

Về quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, trong ba hình thức phổ biến phim hiện hành (tại rạp chiếu, truyền hình và trên không gian mạng) thì phổ biến phim trên không gian mạng đang có khoảng trống khi chưa có sự phân cấp, chỉ định rõ đơn vị, cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định những phim này. Hai phương án được Chính phủ đưa ra xin ý kiến đều có ưu, nhược điểm riêng. Với quy định theo hướng các nhà cung cấp nội dung trên không gian mạng tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại và có cảnh báo theo quy định về phân loại phim theo tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định, mà không phải làm thủ tục cấp giấy phép phân loại phim (nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện tiền kiểm và chỉ hậu kiểm) sẽ dẫn đến hậu quả không quản lý nội dung, khó thu hồi phim nội dung xấu, xử lý vi phạm không công bằng so với các loại khác.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Tuy nhiên, với số lượng phim quá lớn phổ biến trên các nền tảng chiếu trực tuyến sẽ dẫn đến quá tải, trong khi tiền kiểm đối với phương thức phát hành phim qua vệ tinh có máy chủ ở nước ngoài cũng khó khả thi. Do vậy, các đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Hà Ánh Phượng (Phú Thọ), Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng)… đều cho rằng, quy định theo hướng hậu kiểm sẽ khả thi hơn, cho phép các cơ quan sản xuất phim ảnh chủ động, tự chịu trách nhiệm, trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước, quy định của pháp luật, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để bảo đảm tính khả thi của quy định về nội dung này, nhiều ĐBQH đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định cho thống nhất với nội dung tại các Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng, Luật Khoa học và công nghệ; có chính sách quản lý phù hợp với phim rạp số, các ứng dụng mới trong tương lai; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác để thống nhất xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kiểm soát nội dung xấu phát tán trên mạng. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn lưu ý, đối với việc quản lý phim trên không gian mạng, trách nhiệm pháp lý với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cũng cần được lưu ý.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bình Định

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) quan tâm đến việc kiểm soát việc trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của các em. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đặt ra yêu cầu, việc phổ biến phim trên không gian trên mạng cần theo nguyên tắc quyền lợi đi với trách nhiệm. Tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng có áp dụng công nghệ để người lớn kiểm soát việc trẻ em xem phim thì được áp dụng hậu kiểm. Tổ chức nào chưa cho phép kiểm soát sẽ phải áp dụng tiền kiểm.

P.Thủy