Đánh giá toàn diện các ưu, khuyết của hệ thống chính sách

- Thứ Hai, 06/12/2021, 05:35 - Chia sẻ
Dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 tại điểm cầu các địa phương hôm qua, 5.12, nhiều ĐBQH nhấn mạnh: Diễn đàn đã đạt được các mục tiêu quan trọng trong việc phân tích tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, nhận diện cả thời cơ và thách thức; đánh giá toàn diện các ưu, khuyết của hệ thống chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế, khuyến nghị hệ thống giải pháp đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, mang tính đột phá, hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, đề cao an sinh xã hội.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam LÊ VĂN DŨNG: Đề ra các chiến lược ổn định trên cả hai bình diện kinh tế và xã hội

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra hôm qua, những tham luận, thảo luận của các chính khách, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam và sự góp mặt của các tổ chức kinh tế lớn của thế giới, khu vực đã mang đến nhiều giải pháp quan trọng cho việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chúng ta đang gấp rút hoàn thiện. Tôi đặc biệt ấn tượng với các tham luận về một số chính sách tài khóa và tiền tệ, những giải pháp từ chuyển đổi số; giải pháp đẩy mạnh phục hồi kinh tế; những khuyến nghị chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm; những cải cách thể chế... Đáng chú ý, nội dung của Diễn đàn cũng dành nhiều sự quan tâm cho chuyển đổi số và cải cách thể chế. Đây cũng là những giải pháp mang tính đột phá, là hướng đi phù hợp với Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 Quốc hội vừa thông qua.

Đặc biệt, khác với những lần tổ chức trước đó, Diễn đàn đã được mở rộng, đề cập sâu sắc đến các vấn đề xã hội, môi trường bên cạnh các chủ đề kinh tế. Tôi cho rằng, việc này là nhất quán với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh với hàng loạt các chủ trương, chính sách được ban hành hướng đến phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân dân song song với phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế. Trong một vài cao điểm, chúng ta chấp nhận bỏ qua những thiệt hại lớn về kinh tế để hướng đến nhân dân, xem tính mạng, sức khỏe, cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết. Nghị quyết 30, Nghị quyết 268 của Quốc hội với nhiều nội dung chưa được quy định trong Luật, chưa có tiền lệ; Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ với tổng mức hỗ trợ 27.000 tỷ đồng mà phần lớn dành cho an sinh xã hội là một trong những ví dụ điển hình.

Thời gian tới, những giải pháp, chính sách Đảng và Nhà nước ta đặt ra luôn gắn chặt trong thực hiện "mục tiêu kép", đó là giải quyết vấn đề kinh tế đi đôi với các vấn đề xã hội. Điều đó thể hiện rõ trong Nghị quyết 32/2021/QH15 của Quốc hội đã đề ra mục tiêu cho năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Cũng cần khẳng định thêm, đề ra các chiến lược ổn định, phát triển trên cả hai bình diện kinh tế - xã hội cũng là sự phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh TRẦN ĐÌNH GIA: Gợi mở nhiều vấn đề thực tiễn

Tôi đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững". Có thể nói đây là diễn đàn rất hay, được kết nối với quy mô và phạm vi rất rộng; một sự kiện đa chiều, tương tác rộng mở, bao quát đầy đủ các ngành, lĩnh vực từ kinh tế tới xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với đại dịch Covid-19 và kết quả; làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của Covid-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh… Cũng tại diễn đàn, các đại biểu, các chuyên gia đã trao đổi và giải đáp nhiều câu hỏi về huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực, sự hấp thụ năng lực của nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế còn các điểm "nghẽn".

Diễn đàn là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay và những kiến nghị đề xuất cho phục hồi, phát triển; các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời, Diễn đàn còn là dấu mốc quan trọng để đưa đất nước bước vào giai đoạn mới - giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

 Bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội tại diễn đàn thể hiện tầm nhìn xa, bao quát tổng thể, đặc biệt gợi mở nhiều vấn đề thực tiễn để các đại biểu tập trung thảo luận trúng và đúng với chủ đề của diễn đàn “Phục hồi và phát triển bền vững”. Diễn đàn đã ghi nhận được nhiều thông tin rất đa chiều, làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trên cơ sở đề xuất bước đầu của Chính phủ, nhằm cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Khóa XIII và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV về chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa LẠI THẾ NGUYÊN: Cần thiết lập cơ chế giám sát việc thực thi chính sách

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được kết nối trực tuyến với 57 điểm cầu tại địa phương, các điểm cầu quốc tế dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực, các ĐBQH qua các thời kỳ, các nhà quản lý, hoạch định và thực thi chính sách. Do đó, có thể khẳng định đây là một diễn đàn mở với phạm vi rộng, đa chiều, giàu tính tương tác. Các ý kiến đóng góp tại diễn đàn là một kênh thông tin quan trọng giúp Quốc hội, Chính phủ tìm ra các giải pháp phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và tạo động lực tăng trưởng dài hạn.

 Trên cơ sở đánh giá sát bối cảnh đất nước, những khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt cũng như cập nhật những vấn đề mới, dự báo xu hướng tác động của dịch bệnh trên toàn cầu và tại Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần có chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đặc biệt với quy mô lớn, phạm vi rộng và phải khẩn trương. Chính sách này cần chia thành các giai đoạn hỗ trợ và phải được giám sát chặt chẽ từ sớm, từ xa. Theo tôi, đây là đề xuất rất chính xác, cấp thiết trong điều kiện hiện nay để giúp nền kinh tế nước ta sớm phục hồi và phát triển.

 Thực tế, dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp “lao đao”, lao động thất nghiệp, sản xuất kinh doanh đình trệ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nếu không sớm có gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ đặc biệt thì rất khó để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào để đúng đối tượng, đạt hiệu quả, tránh để xảy ra thất thoát, lạm phát tăng cao. Tôi cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần thiết lập cơ chế giám sát việc thực thi chính sách thực sự khoa học, toàn diện để việc thực thi chính sách đạt hiệu quả cao nhất, sớm đi vào cuộc sống.

ĐBQH tỉnh Bắc Giang ĐỖ THỊ VIỆT HÀ: Cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục đồng hành với Chính phủ

Thành công lớn nhất của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là đã đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam; góp phần làm rõ thêm các căn cứ khoa học, thực tiễn và đề xuất được nhiều ý tưởng, biện pháp, giải pháp phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Diễn đàn đã khẳng định Quốc hội tiếp tục chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Trong một ngày làm việc tâm huyết, trách nhiệm, các diễn giả, các nhà khoa học, những người thực thi chính sách, tham gia hoạch định, quyết định, thực thi chính sách… đã cập nhật, đánh giá tương đối toàn diện trên cơ sở phân tích, dự báo xu hướng, tác động của dịch bệnh và trực trạng, các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mà  thế giới đang triển khai hiện nay. Qua đó, gợi ý nhiều hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tại thời điểm hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp Quốc hội xem xét, quyết định gói chính sách, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trên cơ sở đề xuất bước đầu của Chính phủ. Dưới sự chủ trì và với bài phát biểu khai mạc Diễn đàn hết sức toàn diện của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn thực sự là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe được nhiều ý kiến, hiến kế xoay quanh các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn.

 Tin rằng, với quyết tâm chính trị cao, sự chủ động từ sớm, từ xa, cũng như cách làm linh hoạt sẽ là tiền đề và cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững.

M. TUÂN  -  Đ. CẢNH  -  D. ANH  -  B. HỢP thực hiện