Bảo đảm chất lượng dạy học trực tuyến

Đánh giá tổng thể, giải pháp lâu dài

- Thứ Hai, 20/09/2021, 04:09 - Chia sẻ
Trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, dạy học trực tuyến đang được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương, với khoảng 7,35 triệu học sinh. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, về lâu dài, ngành giáo dục cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của phương thức dạy học này, từ đó có giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục.
Lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trao đổi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bên lề cuộc làm việc
Ảnh: Quang Khánh

Phương thức dạy học chủ đạo ở vùng giãn cách

Để chuẩn bị cho dạy học trực tuyến, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã trình ban hành, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, trong đó có hướng dẫn về dạy học trên internet, trên truyền hình và công nhận kết quả dạy học qua mạng, tạo hành lang pháp lý thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát nội dung các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ nhà trường, giáo viên phục vụ công tác dạy và học trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát; ký kết các chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác với những doanh nghiệp uy tín nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ giáo dục - đào tạo thực hiện chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: “Từ kinh nghiệm năm học 2020 - 2021, Bộ cùng các địa phương, các trường đã nhận thức rất rõ trong năm học 2021 - 2022 này phải chuyển đổi trạng thái, coi dạy học trực tuyến ở các vùng giãn cách là phương tiện, hình thức chủ đạo; dạy học trên truyền hình là bổ trợ quan trọng”. Trước khi vào năm học mới 2 tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch, có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục, địa phương tiếp tục triển khai kho học liệu phục vụ dạy học trực tuyến...

Khó khăn nhất của dạy học trực tuyến hiện nay, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, là năng lực của đội ngũ nhà giáo để chuyển từ công cụ, phương thức truyền thống sang công cụ, phương thức hiện đại, gắn với nó là đổi mới phương pháp dạy học. Điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang có chương trình bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn; các cơ sở giáo dục, nhà giáo cũng rất chủ động, sáng tạo, đổi mới. Tuy nhiên, đạt được kết quả mong đợi phải có quá trình để thầy cô sử dụng thành thạo công nghệ, trình bày bài giảng dưới phương thức mới, đổi mới phương pháp dạy học.

Vấn đề đang được xã hội quan tâm là hạ tầng truyền thông và trang thiết bị cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12.9 được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề này. Chương trình gồm ba cấu phần: Có sóng, có internet đến tất cả hộ gia đình; có máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo; có giá cước phù hợp cho các máy tính này, chương trình kêu gọi các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân hỗ trợ để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Điều này cũng sẽ góp phần gia tăng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng với chi phí thấp. 

Nghiên cứu giải pháp phù hợp lâu dài

Chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện tại, tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự kiến kế hoạch công tác năm 2022, định hướng 5 năm (2021 - 2026), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, phương thức dạy học trực tuyến được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy, học, quản lý và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, việc triển khai phương thức này cũng đã bộc lộ một số bất cập liên quan đến điều kiện thực hiện, khả năng tổ chức, quản lý cũng như nội dung, phương pháp; đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả, chất lượng.

Ủy viên Thường trực Nguyễn Thị Mai Thoa đặc biệt quan tâm tới chất lượng của dạy học trực tuyến. “Chuyển sang giáo dục trực tuyến là giải pháp tình thế và chúng ta sử dụng toàn bộ phương pháp, chương trình, giáo viên khi đào tạo tập trung để áp dụng cho đào tạo trực tuyến. Vì vậy, ngành đã hoàn thành chương trình của năm học 2020 - 2021 là kết quả đáng ghi nhận, dù chất lượng khó đánh giá. Chúng tôi cũng chia sẻ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì chất lượng giáo dục trực tuyến phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, chương trình, phương pháp của người dạy, ý thức của người học. Bộ cũng không thể giải quyết được tất cả khó khăn của các địa phương, đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn”...

Về lâu dài, theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, hình thức giáo dục trực tuyến có thể được công nhận trong điều kiện bình thường, khi chúng ta đã vượt qua dịch bệnh. Bởi vậy, ngoài 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo trọng tâm giai đoạn 2021 - 2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung giải pháp nghiên cứu xây dựng phương pháp, chương trình, nội dung phù hợp với giáo dục trực tuyến để áp dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục.

Bên cạnh tăng cường ứng dụng công nghệ số trong dạy học và quản lý, xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung; phát triển hệ thống bài giảng, kho học liệu điện tử; hoàn thiện, hướng dẫn việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy, học trực tuyến và các hình thức kiểm tra, thi phù hợp với phương thức trực tuyến, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng ngành giáo dục cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dạy và học trực tuyến; thu hút các nguồn lực hỗ trợ phương tiện học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá, tổng kết những mặt được và chưa được của phương pháp dạy học trực tuyến, chất lượng dạy học trực tuyến và có giải pháp phù hợp lâu dài. “Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta đang cố gắng tìm cách cho học sinh được học và chấp nhận chất lượng trong thời điểm này như vậy. Tuy nhiên, tôi mong muốn khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành giáo dục và đào tạo có kế hoạch bồi đắp, bổ trợ kiến thức cho học sinh, để chất lượng giáo dục được bảo đảm”.

Ngọc Phương