Đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật về thú y, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan thú y các cấp

- Thứ Tư, 25/11/2020, 19:21 - Chia sẻ
Ngày 25.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật về thú y, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan thú y các cấp. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.
	Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến giải trình các ý kiến của đại biểu
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến giải trình các ý kiến của đại biểu

Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ NN và PTNT; một số tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, chuyên gia…

Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, sau khi Luật Thú y năm 2015 được Quốc hội thông qua, các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành cơ bản đầy đủ. Bộ NN và PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 154 tiêu chuẩn quốc gia, 19 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực. Như vậy, đến nay, ngành thú y đã cơ bản có đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Quy định tại Luật Thú y đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ trong hoạt động thú y, cũng như cải thiện công tác giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh được cải thiện. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và nâng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, giảm thiệt hại dịch bệnh thủy sản qua các năm…

	Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Cũng theo Bộ NN và PTNT, thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, hệ thống tổ chức ngành thú y ở địa phương có sự thay đổi, khi các tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh, Trạm Thú y cấp huyện, giảm số lượng người làm công tác thú y ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh bị chậm do nhiều nơi không có lực lượng thú y cơ sở để tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi. Thiếu nhân lực thú y để tham mưu, tổ chức phòng, chống dịch và gặp nhiều khó khăn trong việc điều động nhân viên thú y giữa các huyện. Bên cạnh đó, hiện nay, việc xuất khẩu sản phẩm động, trứng, sữa, mật ong, thủy sản… cũng gặp nhiều khó khăn do các nước nhập khẩu đều yêu cầu sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu phải được sản xuất và giám sát theo chuỗi. Trong đó, có nguyên nhân do hệ thống thú y hiện nay thay đổi, không vận hành theo đúng quy định của Luật Thú y, không thực hiện giám sát theo chuỗi về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm với sản phẩm xuất khẩu.

Các đại biểu dự hội nghị ghi nhận đóng góp quan trọng của lực lượng thú y với sự phát triển của ngành chăn nuôi, cũng như kinh tế - xã hội nước ta. Thú y Việt Nam được các quốc gia trên thế giới đánh giá là một hệ thống được tổ chức khoa học, hoạt động hiệu quả. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những khó khăn, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về thú y chủ yếu ở khâu thực hiện, do vậy, không có kiến nghị về sửa đổi Luật Thú y hiện hành.

	Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu

Một số ý kiến lưu ý, Điều 6, Luật Thú y quy định hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y ở Trung ương là Cục Thú y thuộc Bộ NN và PTNT, tại các địa phương được tổ chức theo ba cấp (cấp tỉnh, huyện, xã). Song, các tỉnh, thành phố thực hiện kiện toàn hệ thống cơ quan thú y khác nhau đã khiến hệ thống thú y bị đứt gãy ở cơ sở, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động quản lý nhà nước. Nhiều ý kiến đề nghị, các bộ, ngành cần ban hành văn bản hướng dẫn để tổ chức thống nhất hệ thống thú y trên cả nước theo đúng quy định của Luật Thú y năm 2015; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ thú y ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; quan tâm xây dựng lực lượng thú y ở cơ sở…

P.Thủy