Dành nguồn lực thúc đẩy kinh tế nông thôn

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 06:04 - Chia sẻ
ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long)

Quốc hội, Chính phủ đã có một nhiệm kỳ rất thành công. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn, nhưng các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cũng như lợi ích quốc gia, dân tộc và đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước, được cử tri, Nhân dân nhìn nhận, đánh giá rất cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, ở góc độ đại biểu và mang tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội, tôi thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Kết quả, thành quả đạt được tuy rất nhiều nhưng kỳ vọng của người dân có lẽ chúng ta cũng chưa thỏa mãn được hết. Đơn cử như việc thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cử tri mong muốn có thêm nhiều giải pháp để từ đó có thể khơi dậy tiềm năng, tạo động lực phát triển đất nước trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan và phức tạp hơn. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là quyết sách mang tính cách mạng, rất quan trọng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ngành nông nghiệp. Sau ba năm thực hiện Nghị quyết này đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn trong phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng qua sơ kết ba năm, cử tri đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn mong đợi nhiều việc, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm để Nghị quyết này đã mang tính quyết sách chiến lược cho vùng rồi thì phải có hiệu quả cao hơn.

Thứ nhất, chỉ đạo thêm nhiều giải pháp với những tiêu chí cụ thể trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long, để giảm thiểu các yếu tố, nhân tố tác động xấu đến môi trường cũng như làm suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến sinh kế bền vững của người dân ở khu vực, nâng cao chất lượng, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cũng như giá trị gia tăng cho nông sản hàng hóa. Tôi đề xuất phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã để thực sự là hợp tác xã kiểu mới, đáp ứng yêu cầu đồng bộ, kịp thời trong triển khai luật, chính sách, vốn, trang thiết bị, các mô hình liên kết kiểu mẫu giữa doanh nghiệp với nông dân để người dân yên tâm tham gia. Phải thực sự là hợp tác xã kiểu mới, nếu vẫn là hợp tác xã cũ “khoác chiếc áo mới” thì cũng không đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn, nhiều nút thắt mà người dân chưa có nhận thức đầy đủ để tham gia và quyết định sự phát triển kinh tế của mình trong hợp tác xã.

Thứ hai, trong phát triển bền vững nông nghiệp, tôi rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới và trong khoảng thời gian còn rất ngắn của nhiệm kỳ này tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn về đầu tư, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp. Người dân đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực trên phạm vi cả nước đang rất mong chờ quyết sách này. Chính phủ cần quan tâm đầy đủ hơn, toàn diện hơn và dành nguồn lực nhiều hơn để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển đồng đều, ổn định, nông dân không phải lo lắng với thực trạng được mùa mất giá; chính quyền cũng không phải hoang mang, lo lắng về tình trạng năm nay giải cứu nông sản này, năm sau giải cứu trái cây khác. 

Thứ ba, thời gian qua, phát triển hạ tầng giao thông và các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được sự quan tâm sát sao, đầy đủ, tuy nhiên chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tôi đề xuất phải tiếp tục đầu tư phát triển nhiều hơn theo hướng tăng nguồn lực đặc thù cho khu vực này, ưu tiên hơn để thúc đẩy phát triển vùng, tạo mối liên kết vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường để có các công trình trọng điểm, đa năng, đầu tư một công trình nhưng được hưởng lợi ở nhiều tỉnh trong khu vực và cũng có cơ chế điều phối đủ mạnh để cho tạo động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm. Hầu như cuộc tiếp xúc cử tri nào, vấn đề hạ tầng giao thông và các công trình trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đều được người dân đề cập.

N. Bình ghi