Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Hà Nội

Đánh thức, bảo tồn và phát triển tiếp nối

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:41 - Chia sẻ
Người Pháp đã khám phá và khai thác Ba Vì để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của mình ở thuộc địa. Họ đã khảo sát, nghiên cứu đầy đủ yếu tố địa lý, cảnh quan, địa hình ở các địa điểm có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng. Phát triển tiếp nối trên không gian ấy, Khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì trở thành chốn nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng, tránh xa sự ồn ào náo nhiệt của thành thị.

Khát vọng đánh thức Ba Vì

Khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì được xây dựng trên nền phế tích di sản lịch sử do người Pháp để lại ở độ cao 400m, 600m, 700m, 800m và 1.000m, trong đó các công trình dịch vụ, khách sạn nghỉ dưỡng chủ yếu nằm tại cao độ 600 - 800m theo cách ứng xử khiêm nhường với kiến trúc lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Melia Ba Vì sở hữu tầm nhìn toàn cảnh tuyệt đẹp của đồng bằng Bắc Bộ và cảnh quan hùng vĩ của khu rừng nhiệt đới nguyên thủy, trở thành chốn nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng của cộng đồng dân cư quanh vùng.

Nhằm tối ưu hóa lợi thế địa lý độc đáo này, khu nghỉ dưỡng được thiết kế với không gian thân thiện và gần gũi, thể hiện trên các mảng tường cây, cổng đá xếp, sự đa dạng và phong phú của thảm thực vật tại các công trình phế tích, đường đi, lối mòn. Nội thất phòng nghỉ kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc cổ điển của Pháp và văn hóa làng quê Việt Nam, tạo không gian vừa sang trọng, tiện nghi, đẳng cấp, vừa hài hòa và mang nét truyền thống.

Biệt thự Pháp đã được cải tạo để đón khách du lịch  

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính kể lại, ông có dịp khảo sát khu nghỉ Melia Ba Vì tại cao độ 600m. Phần trung tâm đã được tạo dựng bằng kiến trúc có quan tâm đến không gian cảnh quan và có hình thức kiến trúc phù hợp, không phục dựng kiến trúc Pháp và cũng không hẳn làm mới. “Khu nghỉ dưỡng được quy hoạch chi tiết dựa trên nền kiến trúc cũ đã bị phá hủy để làm mới, từ khu đón tiếp, khu nghỉ gồm biệt thự, nhà nghỉ, nhà ăn, bể bơi, các công trình dịch vụ, các khu vui chơi gắn kết với cảnh quan rừng và hồ nước”.

Kéo dài gần 3.000m quanh co nơi sườn phía Tây núi Ba Vì, Khu nghỉ dưỡng Melia thừa hưởng cảnh quan nhìn ra dòng sông Đà tuyệt đẹp. Không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp, Melia Ba Vì còn thỏa mãn nhu cầu tâm linh khi các công trình hướng về phía chân trời bên kia sông Đà, là nơi có núi Nghĩa Lĩnh và đền thờ các vua Hùng.

Trên sườn cao độ này, nhiều kiến trúc Pháp bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn lại phần móng và một số mảng tường gạch cũ. Ngoài khu trung tâm đã được Melia khôi phục và đưa vào sử dụng, còn lại nhiều công trình bị phá hủy nằm rải rác trên sườn núi. Về phía Bắc còn có sân đỗ trực thăng, phần tiếp theo là công trình phế tích có diện tích khá lớn trên một mặt bằng rộng với điểm nhìn về phía Tây rất đẹp. Khu vực này còn nhiều phế tích là các biệt thự, nhà nghỉ và một số công trình dịch vụ đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách muốn khám phá.

Melia Ba Vi có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống của Việt Nam và Pháp  

Bảo tồn và phát triển bền vững

Các chuyên gia cho rằng, Tập đoàn Melia đã có cách thức tiếp cận khá khéo léo và tinh tế giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo, thể hiện sự khiêm nhường với những gì vốn có tại đây, đặc biệt là về khía cạnh ứng xử với cảnh quan. Nhìn chung, cảnh quan khu vực Melia Ba Vì được giữ nguyên trạng, các góc nhìn sinh thái được chú trọng, không phá vỡ quy luật sinh trưởng của tự nhiên, giải pháp thiết kế cảnh quan tinh tế, phù hợp với địa phương…

Trong những cuộc khảo sát, đánh giá nhiều năm qua, các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đều nhìn nhận, phần lớn khu vực cảnh quan ở Melia Ba Vì chưa bị tác động, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Có thể nói, nhà đầu tư đã nhìn nhận đúng giá trị môi trường và kiến trúc mà khu vực sẵn có. Việc đánh giá và tiếp cận này vô cùng quan trọng bởi rất ít doanh nghiệp nhìn nhận sản phẩm môi trường và kiến trúc đúng với giá trị của nó, phần lớn giá trị đó bị đánh giá thấp hoặc bỏ đi hoàn toàn trước những lợi ích về mặt kinh tế và xây dựng.

Sau thời gian đánh giá hiện trạng các phế tích và khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất 5 nguyên tắc khai thác: Bảo tồn nguyên trạng các kiến trúc Pháp; phục dựng những không gian văn hóa - kiến trúc trên nền phế tích cũ; tạo không gian kiến trúc mới kết hợp nền phế tích cũ một cách hài hòa với thiên nhiên; xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ tăng tính tương phản cho quá khứ - hiện tại; tôn tạo cảnh quan mới trên cơ sở lựa chọn có chủ ý với các chủng cây xanh bản địa.

Bể bơi vô cực làm hài lòng du khách  

Đi kèm các nguyên tắc trên có ví dụ về các công trình lịch sử nổi tiếng thế giới vừa bảo tồn giá trị vừa phát triển du lịch, văn hóa như tòa Reichstag (Đức), thành phố cổ Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ), bảo tàng Lourve (Pháp), khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Nhật Bản)...

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự ‘cân bằng động’ giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới. Bảo tồn di sản để tạo cơ hội hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa mới... Khu vực chân núi có thể phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đại trà, lên cao hơn nên làm trải nghiệm, khám phá dạng du lịch sinh thái cao cấp. Thực tế, dịch vụ du lịch cao cấp như Melia Ba Vì có hạn chế về đối tượng và lượng khách nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế không kém và mặt mạnh của hình thức này là tác động môi trường ở mức thấp nhất”.

Người Pháp đã đặt nền móng cho sự hình thành đô thị lớn và các thị trấn hay khu nghỉ dưỡng ở nước ta. Các phế tích Pháp tại Ba Vì cũng là dấu tích của di sản quy hoạch kiến trúc vùng núi rừng đặc trưng thời thuộc Pháp. Chúng tạo cảm xúc lịch sử với đầy đủ yếu tố thiên nhiên, con người và thời gian. Do đó, theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần thiết Melia Ba Vì phát triển du lịch để đáp ứng nhu cầu cộng đồng dân cư, đồng thời bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa cốt lõi là những giải pháp phù hợp, kịp thời và bền vững.  

Hồng Hà