Đánh thức các làng nghề

- Thứ Tư, 28/10/2020, 06:37 - Chia sẻ
Đồng Nai có hàng chục làng nghề, trong đó có những nghề nổi tiếng lâu đời như: Gốm mỹ nghệ, điêu khắc đá, dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ... Trước những nhu cầu liên tục thay đổi của thị trường nhiều làng nghề không theo kịp đã dần bị mai một và thu hẹp. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực khôi phục của tỉnh Đồng Nai trong việc kết hợp du lịch và thủ công mỹ nghệ, nhiều làng nghề trong tỉnh đã tìm ra hướng đi riêng, từng bước củng cố, lớn mạnh và đưa thương hiệu “cất cánh”.

Độc đáo các làng nghề

Nhắc đến làng nghề truyền thống ở Đồng Nai, nhiều người sẽ nhớ ngay đến làng gốm Tân Vạn với kiểu dáng họa tiết và chất men đẹp, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Chất men độc đáo của gốm Biên Hòa đã tạo nên sự khác biệt với các dòng gốm khác, từ đó giúp dòng gốm này vẫn còn chỗ đứng trên thị trường. Hay làng nghề điêu khắc - chế tác đá Bửu Long, ở đây những người thợ khéo léo điêu khắc đá thành những tác phẩm nghệ thuật hình lân, hình đầu rồng, các loại tượng.

Nghề dệt vải truyền thống của đồng bào Mạ ở Tà Lài, huyện Tân Phú
Ảnh: ITN

Đặc biệt nghề dệt tơ lụa vùng Biên Hòa - Đồng Nai lại nổi tiếng khắp cả nước với loại lãnh đen mềm, láng. Bên cạnh dệt tơ lụa, Đồng Nai còn là địa phương nổi tiếng bởi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ ở Tà Lài (huyện Tân Phú) đã đi vào sử sách, thơ ca, nhạc họa.

Đồng Nai vốn là vùng đất dồi dào các nguyên vật liệu từ tự nhiên nên các làng nghề thủ công truyền thống rất phát triển. Ngoài nghề gốm, chế tác đá, dệt vải, các nghề như: Mộc, gạch ngói, đất nung, dệt chiếu, đúc đồng, rèn sắt, làm giấy, chạm bạc, làm lọng, làm giày, làm nón… cũng có những đặc trưng riêng. Ban đầu, người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm nghề thủ công, về sau chuyên môn hóa trong các ngành nghề thủ công nên đã xuất hiện nhiều thợ thủ công có chuyên môn cao và tách khỏi nông nghiệp.

Với các nghề truyền thống, nghệ nhân chính là linh hồn, là “báu vật” sống nắm giữ tinh hoa của làng nghề. Tiếng thoi đưa của khung cửi, tiếng chạm, khắc đá vang lên làm nên sức sống ở những làng quê bình yên. Tuy nhiên, hiện nay nghề truyền thống đứng trước những khó khăn về lao động, đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã khiến những làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một.

Xây dựng thương hiệu cho làng nghề

Hội nhập quốc tế sâu, hàng hóa trong nước sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt và các làng nghề cũng phải đối mặt với điều này. Nhiều làng nghề của Đồng Nai có sản phẩm rất đặc sắc nhưng khâu xúc tiến thương mại, quảng bá chưa tốt nên dù bán được số lượng lớn trong nước, xuất khẩu nhưng ít người tiêu dùng biết đến.

Điểm mấu chốt để các làng nghề trở lại được thời kỳ hưng thịnh là phải xây dựng được thương hiệu làng nghề. Việc có được nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sẽ rất thuận lợi cho các làng nghề trong việc quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng: “Tỉnh đang triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đây sẽ là cơ hội các địa phương đưa những sản phẩm đặc sắc của làng nghề vào chương trình để nhận được nhiều hỗ trợ hơn từ xã, huyện, tỉnh, Trung ương để phát triển”.

Giữa bối cảnh đó, du lịch Đồng Nai được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt là du lịch sinh thái, các điểm du lịch trong tỉnh sẽ trở thành một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm làng nghề khá tốt nếu biết cách khai thác. Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Sở đã có chương trình phối hợp với ngành công thương, giới thiệu những sản phẩm đặc sắc của làng nghề ở một số khu du lịch, các trạm dừng chân, hội nghị trong và ngoài tỉnh để tìm các doanh nghiệp, đại lý ký kết, tiêu thụ sản phẩm”.

Cũng theo ông Bằng, kênh tiêu thụ trên chưa được khai thác tốt nên thời gian tới, tỉnh sẽ có những kế hoạch cụ thể gắn kết các làng nghề với những điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để mở rộng kênh bán hàng này. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng phải nghiên cứu thị trường, đưa ra các sản phẩm đặc sắc mang dấu ấn riêng của Đồng Nai mới dễ dàng được khách hàng đón nhận.

Các khu vực ngành nghề truyền thống thường nằm ở khu vực trung tâm, hoặc gần đô thị lớn, trục giao thông đường bộ, đường sông, do đó rất thuận tiện cho việc xây dựng tuyến du lịch làng nghề. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong thời gian qua, thị trường đầu ra cho sản phẩm làng nghề, ngành nghề truyền thống của tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung gặp rất nhiều bất lợi.

Do vậy, bên cạnh mở rộng thị trường cho sản phẩm làng nghề, địa phương cũng nên có chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm cho đối tượng là du khách cũng là một cách làm tốt giúp các làng nghề phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, tăng doanh thu. Những liên kết qua lại một cách tự nhiên ban đầu giữa du lịch - làng nghề, làng nghề truyền thống dần trở thành nhu cầu gắn bó chặt chẽ vì lợi ích chung, cùng phát triển.

Tùng Lâm