Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống...”

- Thứ Tư, 19/08/2020, 08:22 - Chia sẻ
Nguyên Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ĐÀO DUY QUÁT cho rằng, quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ phải làm thường xuyên, ngay cả sau đại hội. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ mạnh, bên cạnh giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, có cơ chế giám sát, kịp thời phát hiện và đấu tranh xử lý sai phạm, thì cũng cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Bài học từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

- Cán bộ là nhân tố quyết định thành bại trong tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Thời gian qua, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ, nhất là lựa chọn nhân sự chủ chốt vào Ban Chấp hành Trung ương. Song có thể thấy, tác động từ những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thưa ông?

- 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng ta đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng đóng vai trò hàng đầu, quyết định thành công của cách mạng. Trong sự lãnh đạo ấy, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", vì sau khi có đường lối thì việc lựa chọn và bố trí đúng cán bộ là nhân tố quyết định thắng lợi của đường lối. Trong suốt 90 năm qua cũng cho thấy, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ, nhất là lựa chọn nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương.

Kể từ năm 1986, khi Đảng ta khởi xướng công cuộc Đổi mới, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, xây dựng cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đến nay, chúng ta đã phát huy được những mặt tích cực của cơ chế thị trường, tạo động lực phát triển đất nước mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường cũng đã hủy hoại đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm đảo lộn nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Chẳng thế mà, dư luận có câu, “những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Vì thế, cơ chế thị trường đã có tác động ghê gớm tới công tác cán bộ của Đảng ta.

- Đảng ta đã nhận diện và đối phó với nguy cơ này như thế nào, thưa ông?

- Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa VII, Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ trước mắt, trong đó có nạn tham nhũng, quan liêu mà bây giờ chúng ta gọi tên nguy cơ này một cách đầy đủ hơn là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nguy cơ này tác động ghê gớm đến mức Đại hội XII của Đảng xác định, nếu không chặn đứng và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thì có thể “đụng” đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Tiếp đó, tại các Đại hội VIII, IX, X, XI, Đảng ta đều có nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hiện nay, chúng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, XII và đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng, củng cố niềm tin trong nhân dân. Song nạn quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn tồn tại, có lúc, có nơi còn nghiêm trọng. Chính vì vậy, để xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng

Chúng ta đang tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Theo ông, từ quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua, có thể rút ra bài học gì trong công tác cán bộ nhằm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng?

- Nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là “bộ tham mưu chiến đấu”, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, nên đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, hiệu quả những tình huống phức tạp có liên quan đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, sự sống còn của chế độ.

Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Vì thế, để chuẩn bị thật tốt nhân sự Đại hội XIII, việc tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua là cần thiết. Đơn cử, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta đã xử lý kỷ luật hàng vạn cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có gần 100 cán bộ cao cấp, tướng lĩnh… Đây một mặt là bài học đau xót, nhưng cho chúng ta thấy được những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ khi để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, năng lực vào cấp ủy, hoặc bị suy thoái, cám dỗ, “trót nhúng chàm”. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận, đánh giá được: Vì sao tại thời điểm được bầu vào cấp ủy thì những cán bộ này có thể tốt, đủ tiêu chuẩn, nhưng trong quá trình nắm giữ quyền lực thì lại bị tha hóa (?).

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nói, “trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập; cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân, chúng ta càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng”. Các nhóm lợi ích luôn muốn nhắm vào các vị trí quyền lực. Vì thế, một mặt, chúng làm tha hóa cán bộ có chức có quyền; mặt khác, chúng tìm mọi cách “chạy” để chiếm lấy các vị trí này.

- Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Lời dạy này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Đúng thế! “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống” mà cần được rèn luyện và củng cố. Vì lẽ đó, trong công tác cán bộ, việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ tiến hành trước và trong đại hội mà sau đại hội, từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ trong các cấp ủy cần tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện. Cá nhân tự rèn luyện, tổ chức và nhân dân giám sát quá trình rèn luyện. Quá trình này phải làm thường xuyên bởi chúng ta ý thức rất rõ rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay, nhưng mặt khác, chúng ta cũng đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là làm sao để chọn được những cán bộ đủ đức, đủ tài, giới thiệu và bầu vào cấp ủy khóa mới, tiến tới chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An thực hiện