Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống:

Đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 05:37 - Chia sẻ
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định chiến lược về lao động - việc làm vừa toàn diện, sâu sắc vừa cụ thể cho 10 năm tới (2021 - 2030). Trong đó, nêu rõ: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế... Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức”(1). Từ nội dung của Chiến lược đặt ra nhiều vấn đề trọng đại, nhiều công việc cấp thiết.

Tính chất quyết định của nguồn nhân lực

Ba nhân tố cơ bản bảo đảm cho một nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững là, sử dụng công nghệ cao, cơ sở hạ tầng hiện đại chất lượng nguồn nhân lực cao. Trong đó chất lượng nguồn nhân lực cao vừa là nhân tố, vừa là động lực phát triển.

Thực tiễn đã cho thấy, chất lượng con người - nguồn nhân lực cao hay thấp ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của nền sản xuất xã hội. Dù công nghệ tiên tiến, hạ tầng cơ sở rất hiện đại, nhưng nguồn nhân lực kém chất lượng thì cũng không thể giải quyết được bài toán tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Nguồn lực con người - nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là nguồn lực đầu tiên, nguồn lực lớn nhất của sự phát triển và là yếu tố quyết định sự phát triển, tăng trưởng kinh tế cao.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra khả năng hình thành các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan thông minh, sản xuất ra các sản phẩm thông minh, chuỗi cung ứng thông minh và làm cho các hệ thống sản xuất và dịch vụ trở nên linh hoạt, đáp ứng khách hàng ngày một cao hơn. Cách mạng 4.0 cho phép mọi người ở khắp nơi trên thế giới kết nối với nhau thông qua internet dịch vụ bằng các thiết bị di động mọi lúc, mọi nơi. Trong môi trường làm việc đó, nhất thiết người lao động phải có trình độ kỹ năng nghề cao mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao thì con người phải được đầu tư phát triển. Người lao động phải có kiến thức nghề nghiệp, có tay nghề vững vàng, có năng lực sáng tạo, biết tích luỹ kinh nghiệm và kỹ năng nghề ngày một nâng cao. 

Sứ mệnh của giáo dục nghề nghiệp

Đi đôi với việc vạch ra Chiến lược thì đồng thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra những giải pháp rất cụ thể, đó là “chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động”(2). Đại hội quyết nghị giải pháp này trên cơ sở thực tiễn của giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, trong đó năm 2016 số lao động đã qua đào tạo chiếm 53,6% (số có bằng cấp, chứng chỉ nghề đạt 21,39%); từ năm 2017 - 2020 lần lượt là 56,8% và 22,52%; 58,6% và 23,0%; 62,0% và 24,0%; 64,5% và 24,5%(3). Nói một cách tổng quát, tổng số lao động xã hội đến năm 2020 mới có 64,5% đã qua đào tạo, trong đó số có bằng cấp, chứng chỉ nghề mới chỉ chiếm 24,5%, nghĩa là cứ 4 lao động thì mới có gần 1 người có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Tỷ lệ lao động nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) trong tổng lao động xã hội tuy giảm dần nhưng vẫn còn rất cao: Năm 2016 là 41,6%; từ 2017 - 2020 lầ lượt là 40,0%; 37,6%; 34,5% và 32,8%(4).

Từ đây, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt 70%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ nghề đạt 28 - 30%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 25%(5). Sau Đại hội XIII của Đảng, ngày 5.2.2021 Thủ tướng đã quyết định ngay những chỉ tiêu rất cụ thể với mức phấn đấu cao, trong đó có các chỉ tiêu: tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40% vào năm 2030; tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2030 dưới 20%(6).

Để thực thi hiệu quả Chiến lược của Đảng và các chỉ tiêu Chính phủ đã quyết định thì phải có những giải pháp cụ thể về giáo dục nghề nghiệp. Một là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để đạt mục tiêu những người bước vào độ tuổi lao động và mọi người trong độ tuổi lao động, dù làm việc gì cũng phải có tay nghề và thường xuyên nâng cao tay nghề để làm việc hiệu quả ngày càng cao. Đây là mô hình đào tạo theo “chiều rộng” hay là “nghề hóa” lao động phổ thông. Để giải pháp này đạt hiệu quả mong muốn thì phải quy hoạch lại mạng lưới cơ sở dạy nghề theo hướng bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, cấp độ đào tạo; gắn kết đào tạo với thị trường lao động. Doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các công đoạn của quá trình đào tạo, nhất là công đoạn thực hành; kết nối cung - cầu lao động, bảo đảm “sản phẩm đào tạo ra lò” là được sử dụng.

Hai là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là giải pháp đào tạo theo “chiều sâu”. Giáo dục nghề nghiệp phải chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, bao gồm chương trình, giáo trình dạy và học; việc nâng cấp trình độ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý phải được tiến hành trước một bước. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và thực hành phải ngang tầm với yêu cầu đào tạo. Việc đổi mới chương trình đào tạo phải theo chuẩn đầu ra trên cơ sở kỹ năng nghề quốc gia, có sự tham gia của các doanh nghiệp - nơi trực tiếp sử dụng lao động. Xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành nghề và liên thông với các ngành nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn. Chọn lựa và áp dụng công nghệ đào tạo tiên tiến của các nước phát triển phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ba là đối với doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cần phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người mới tốt nghiệp trước khi bước vào công cuộc lao động, thực thụ làm việc; nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong quá trình làm việc; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng “kỹ năng số” thường xuyên, linh hoạt cho người lao động.

Phân bố hợp lý, sử dụng hiệu quả

Để phân bố, sử dụng nguồn lực lao động hợp lý, hiệu quả thì yêu cầu quan trọng bậc nhất là phải bảo đảm cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế ở giai đoạn chiến lược này. Trước hết là cơ cấu lao động theo ngành kinh tế, thành phần kinh tế và cơ cấu theo vùng lãnh thổ. Thực hiện nhiệm vụ này thì cần tiến hành các công việc cụ thể sau: Một là căn cứ vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội 10 năm tới theo ngành, thành phần kinh tế và vùng lãnh thổ để tính toán nhu cầu lao động (theo số lượng, chất lượng và cơ cấu ứng với ngành, thành phần và vùng lãnh thổ). Hai là trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế theo ngành, theo vùng mà xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực. Ba là đổi mới kế hoạch hóa lao động theo hướng bám sát cung - cầu lao động trên thị trường lao động.

Bốn là thực hiện các chính sách, cơ chế chuyển dịch cơ cấu lao động, chú trọng thích đáng đến lao động nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, phải chuyển mạnh lao động nông nghiệp (phần lớn là lao động phi chính thức) sang các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại, du lịch vì tỷ trọng nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn thấp, trong khi tỷ lệ lao động lại rất cao. Đến năm 2020, năm cuối cùng của nhiệm kỳ trước, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong lao động xã hội vẫn còn chiếm tới 32,8% mà chỉ đóng góp được 15,18% GDP. Mặc dù nông nghiệp là “bệ đỡ” của toàn bộ nền kinh tế, nhất là ở những giai đoạn khó khăn, nhưng phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp để giải phóng sức lao động. Do đó 10 năm tới phải thực hiện cho được mục tiêu giảm lao động nông nghiệp xuống dưới 20%... 

Công cuộc đào tạo, phân bố và sử dụng nguồn lực lao động phải hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu lao động cho sản xuất, kinh doanh; tạo ra nhiều việc làm, việc làm đầy đủ và bền vững cho người lao động; việc làm có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và thu nhập của người lao động ngày càng được nâng lên, cải thiện rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

__________

(1) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tập I, trang 231-232.

(2) Như (1), trang 232.

(3) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tập II, trang 160.

(4) Như (3), trang 159.

(5) Như (3), trang 95.

(6) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 176/QĐ-TTg ngày 5-2-2021 về Ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội