“Đắp đập be bờ” cho điện ảnh Việt

- Thứ Năm, 21/10/2021, 06:40 - Chia sẻ
Những năm gần đây, tình trạng xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh đang ngày càng gia tăng. Điều này khiến các doanh nghiệp tốn nhiều chi phí đầu tư sản xuất phim, nhưng sản phẩm trí tuệ của họ có thể bị đánh cắp một cách dễ dàng.
Nhiều trang web phim lậu vẫn tồn tại

Nỗi lo thường trực

“Để bảo vệ sở hữu trí tuệ, bản quyền phim, đơn vị phát hành có một số cách thức, như sản xuất phim ngắn, khoảng 2 - 3 phút, nói về việc không quay trộm phim và chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi thuê một đội ngũ (24/24 giờ trong thời gian phim phát hành) chuyên tìm kiếm đoạn phim bị quay trộm, để biết phim quay ở rạp nào, ở vị trí nào...; đồng thời ký hợp đồng với các mạng xã hội như Youtube, Facebook... để các video quay trộm bị phát tán trên nền tảng này được gỡ xuống. Khi phát hiện phim bị quay lén và đưa lên internet, chúng tôi cũng làm việc với công an để giải quyết” - bà Trần Việt Hoa, Trưởng Phòng Phát hành, Công ty Galaxy tại Hà Nội thông tin.

Có thể thấy, khi một bộ phim đưa vào sản xuất, bên cạnh vấn đề kinh phí, chất lượng kịch bản và sản xuất, quảng bá phim để thu hút khán giả... bảo vệ bản quyền tác phẩm là nỗi lo thường trực của các đơn vị sản xuất, đặc biệt trong giai đoạn internet bùng nổ, xu hướng xem phim trên mạng gia tăng nhanh chóng.

"Bố già" - dự án điện ảnh nổi bật đầu năm 2021, sau thành công về doanh thu tại phòng vé cả nước, đã được đưa lên ứng dụng xem phim trực tuyến trả phí Galaxy Play. Tuy nhiên, sau chưa đầy 24 giờ phát hành, đã xuất hiện hàng chục đường link phim lậu khiến các nghệ sĩ bức xúc.

Trước đó, tình trạng phim chiếu rạp bị đưa lên internet trái phép cũng xảy ra với nhiều tác phẩm, thậm chí có phim mới ra rạp, như: “Cô Ba Sài Gòn”, “Cha cõng con”, “Hai Phượng”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”… Nhiều đơn vị đã làm việc với cơ quan công an để xử lý người vi phạm, tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn công khai. 

Nếu như các thị trường điện ảnh phát triển, doanh thu một phim chỉ phụ thuộc 60% vào tiền vé, còn lại từ các nguồn khác nhau bao gồm cả bán sản phẩm ăn theo, thì ở Việt Nam, những nguồn thu này đang vô cùng sơ khai và các nhà sản xuất thật sự “đánh bạc” gần như toàn bộ vốn liếng vào doanh thu bán vé. Do vậy, việc đưa phim trái phép lên internet đã gây thiệt hại không nhỏ, thậm chí khiến nhà sản xuất đối mặt với nguy cơ mất trắng số tiền đầu tư làm phim.

Nhiều người trong ngành cho biết, sản xuất phim vốn cần rất nhiều tiền, bên cạnh việc phim có thể không ăn khách, vấn đề bảo hộ chất xám, bản quyền lại dường như bị xem nhẹ như hiện nay khiến nhiều người coi đây là lĩnh vực đầu tư rủi ro cao, ít mặn mà rót tiền cho điện ảnh.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) bỏ quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm tại Điều 7 Luật hiện hành. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần xác định cụ thể các đối tượng được hưởng quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan... để tránh xung đột về quyền, lợi ích của các bên. Đồng thời, làm rõ cơ chế phối hợp hoạt động, thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh; nghiên cứu, bổ sung quy định theo dẫn chiếu nội dung liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ.

Cần biện pháp ngăn chặn phim lậu

Tình trạng vi phạm bản quyền, quyền sở hữu đối với các tác phẩm điện ảnh khá phổ biến trên thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam. Khi xu hướng xem phim trên internet ngày càng gia tăng, các trang web chiếu phim lậu ngày càng sống khỏe, trang này bị đóng, ngay lập tức trang khác lại được mở ra, và ngày càng nhiều hơn. Bà Phan Cẩm Tú, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, các trang web chiếu phim lậu thường có lượt xem cao, và sống bằng quảng cáo. Có trang web thu 10 tỷ đồng quảng cáo/tháng, và rất khó xử lý. Do vậy, cần “đắp đập, be bờ” cho nền công nghiệp điện ảnh với các quy định chặt chẽ về bản quyền.

Để bảo vệ, thúc đẩy điện ảnh phát triển, ở nhiều quốc gia, hành vi vi phạm bản quyền bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định về chế tài trên các lĩnh vực hành chính, dân sự và hình sự đối với các bên thực hiện hành vi vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, theo các nhà làm phim, mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, sự phối hợp chưa đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan thực thi, lực lượng chức năng chưa kiểm soát hết được trước sự tinh vi ăn cắp bản quyền.

Nạn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh đòi hỏi cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc ngăn chặn phim lậu phải là một trong những biện pháp chính sách cần được đặt ra tại Luật này. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ bảo hộ bản quyền cho các bộ phim. Dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định, như ở quy định cấm, “Cấm hành vi quay chụp sao chép phim khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu”. Các rạp chiếu phim phải có biện pháp chống lộ lọt phim ra ngoài. Nếu rạp nào để xảy ra hiện tượng này thì cần có biện pháp chế tài xử lý phù hợp. Bộ Thông tin và Truyền thông cần có biện pháp ngăn chặn các website chiếu phim vi phạm sở hữu trí tuệ...

Ngọc Phương