Đề xuất tăng đại biểu chuyên trách cho HĐND TP Hà Nội

Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

- Chủ Nhật, 21/02/2021, 06:08 - Chia sẻ
Tuần tới, tại Phiên họp thứ 53, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó có đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cho HĐND thành phố. Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ đề nghị này, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành và cho rằng, chắc chắn đòi hỏi tăng đại biểu hoạt động chuyên trách đối với HĐND TP Hà Nội là rất cấp bách và chính quyền Thủ đô cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động của cơ quan dân cử nên mới chắt chiu, dành biên chế cho HĐND thành phố.

Bổ sung số lượng, bố trí chức danh hợp lý

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 (Luật số 47/2019/QH14) quy định, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND cấp thành phố trực thuộc Trung ương tối đa là 10 đại biểu, không quy định về Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND cấp thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, với HĐND thành phố Hà Nội, nếu thực hiện theo Luật số 47/2019/QH14 thì sẽ chỉ còn 1 Phó Chủ tịch và lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND thành phố sẽ bị giảm. Trong khi đó, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, thành phố Hà Nội với vai trò là Thủ đô phải triển khai nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao. Hà Nội luôn phải giải quyết khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền thành phố phải đủ mạnh để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết các công việc hiệu quả, bảo đảm chất lượng. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hà Nội cũng sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. "Vì vậy, việc bổ sung quy định số lượng, bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của chính quyền thành phố và Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội", Chính phủ nhấn mạnh. 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ
Ảnh: Hồ Long

Từ cơ sở lý luận, thực tiễn hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn Thủ đô nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng đề nghị bố trí các chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo hướng: Đối với HĐND quận, huyện, thị xã và HĐND xã, thị trấn sẽ thực hiện việc bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đối với HĐND thành phố, tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách là 19 đại biểu, trong đó lãnh đạo HĐND thành phố gồm 3 đồng chí (Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch); đối với 4 Ban HĐND thành phố, mỗi ban có 1 Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách.

Chia sẻ các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho rằng, thời gian qua, tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tại một số đô thị giữ vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước đã được quan tâm hơn, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cần tính toán dựa trên tương quan về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, khối lượng công việc, qua đó sắp xếp, bố trí phù hợp, tránh cào bằng giữa các địa phương. Thậm chí so sánh ngay TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dù có quy mô dân số, diện tích tương đương nhau nhưng với vị trí, vai trò đặc thù của Thủ đô nên khối lượng công việc của chính quyền TP Hà Nội lớn hơn rất nhiều. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị của Chính phủ, thành phố Hà Nội và cho rằng, cần nghiên cứu để tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội tương xứng với vị trí, vai trò của mình.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp cần thu hút người có năng lực nổi trội về Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Để hút người có khả năng về các ban của HĐND thành phố đừng đưa ra những lý lẽ duy ý chí (đam mê, nhiệt huyết) cần nhìn trực diện vào những vấn đề căn bản (cơ chế, chính sách, điều kiện làm việc). Phải đặt ở vị trí thỏa đáng thì mới thu hút được người có trình độ. Để bảo đảm chất lượng hoạt động, ngoài việc quy định địa vị pháp lý các Ban của HĐND, cần có cơ chế vận hành, đặc biệt là con người. Con người ở đó phải sắc sảo, có khả năng đưa ra vấn đề, tham vấn chính sách, thẩm định, trao đổi với cơ quan hành pháp để đi đến chân lý cuối cùng là phục vụ sự phát triển của thành phố. Có như vậy mới nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu NGUYỄN THỊ THANH

 

Vì sao không tăng với HĐND cấp quận?

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cụ thể, tại Tờ trình, Chính phủ và Hà Nội chỉ đề nghị tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố; HĐND quận, huyện, thị xã và HĐND xã, thị trấn sẽ thực hiện việc bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật hiện hành. Thậm chí, theo Tờ trình, một quận trên địa bàn thành phố hiện có số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách thấp hơn so với quy định hiện hành (tối thiểu phải có 3 đại biểu hoạt động chuyên trách).

Qua tổng hợp các ý kiến phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì sẽ có một khối lượng công việc từ HĐND cấp phường dồn lên HĐND cấp quận. Ngoài ra, Nghị quyết 97 của Quốc hội không quy định về thẩm quyền của HĐND thành phố, trong khi đó, quy định rõ các nhiệm vụ, thẩm quyền được tăng thêm của HĐND cấp quận, thị xã. "Khi nghị quyết của Quốc hội giao trực tiếp thẩm quyền cho HĐND cấp quận, thị xã thì tại sao thành phố không đề nghị tăng đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp này?", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi. 

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đề xuất được thành phố đưa ra do việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã phát huy hiệu quả và có tác động lan tỏa. Trong khi đó, với mô hình chính quyền đô thị, các hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình chủ yếu thực hiện tập trung trên HĐND cấp thành phố. Thực tế, thời gian qua, khi các vấn đề liên quan đến chính quyền cấp dưới như trật tự xây dựng, quy tắc ứng xử… được đưa ra tại các kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố cũng đều yêu cầu lãnh đạo phường, xã, thị trấn lên giải trình.

Về việc bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND cấp quận, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, việc một HĐND cấp quận có số lượng đại biểu chuyên trách thấp hơn so với quy định hiện hành chủ yếu do tình thế, đại biểu đến tuổi nghỉ hưu nên thôi giữ chức danh lãnh đạo, chỉ thực hiện vai trò của đại biểu HĐND. Trong khi đó, một số HĐND huyện trên địa bàn thành phố đã có số đại biểu hoạt động chuyên trách ở mức cao nhất (như HĐND huyện Đông Anh). Trong thời gian tới, HĐND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các quận, thị xã để bảo đảm vừa tăng lực lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, vừa không gây tăng biên chế. “Cách làm linh hoạt như vậy sẽ sát hơn với đòi hỏi thực tế của từng quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội khẳng định.  

Theo Tờ trình của Chính phủ, đề nghị của TP Hà Nội sẽ không làm tăng số lượng đại biểu HĐND, chỉ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách và một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND thành phố, các Ban của HĐND thành phố. Khi đó, cũng sẽ phải giảm số cán bộ, công chức ở các cơ quan khác để bảo đảm giữ nguyên tổng biên chế giao cho địa phương. Với khẳng định này tại Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhấn mạnh, chắc chắn đòi hỏi tăng đại biểu hoạt động chuyên trách là rất cấp bách và chính quyền Thủ đô cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động của cơ quan dân cử mới chắt chiu, dành biên chế cho HĐND thành phố.

Thanh Hải