Đáp ứng quyền an sinh cho mọi công dân

- Thứ Tư, 27/10/2021, 05:36 - Chia sẻ

TS. Bùi Sỹ Lợi
  Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội 

Hệ thống an sinh xã hội (ASXH) ở Việt Nam đã cơ bản bảo đảm công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng quyền an sinh của mọi người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Ngày 23.5.2018, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Nghị quyết thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo đảm quyền ASXH, phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.

 

Cán bộ bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân
Nguồn: ITN

Năm 2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện hơn 1,2 triệu người chiếm 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng gấp 2 lần so với năm 2019; tổng thu BHXH tự nguyện đạt gần 4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền NSNN hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện là 137,6 tỷ đồng.

Thiết kế gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn, linh hoạt

Mặc dù quyền được bảo đảm ASXH mới được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, nhưng thực tế những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng hệ thống pháp luật, thiết lập cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển hệ thống ASXH. Theo đó, bảo đảm ASXH dựa trên 3 trụ cột, 3 thành tố chính. Thứ nhất, giảm thiểu rủi ro thông qua BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là trụ cột cơ bản của hệ thống ASXH. Thứ hai, khắc phục rủi ro bao gồm các chính sách về trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp xã hội đột xuất và chính sách người có công. Thứ ba, phòng ngừa rủi ro là chức năng để mọi người chủ động bảo đảm cuộc sống, không rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong hiện tại cũng như tương lai gồm tạo việc làm, phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giảm nghèo bền vững và bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản.

Với Nghị quyết 28-NQ/TW, lần đầu tiên phạm vi BHXH được mở rộng không chỉ bao gồm những quan hệ đóng - hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng - hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, phát triển hệ thống BHXH đa tầng, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hàng tháng. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này cho thấy, Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo đảm an sinh cho người dân, thông qua việc hướng tới không để người cao tuổi nào trong xã hội mà không có lương hưu từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ BHXH. Song song với việc linh hoạt điều kiện tham gia BHXH để hưởng chế độ, chính sách BHXH được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân.

Trước đây, quy định tối thiểu phải 20 năm đóng BHXH, người lao động mới có cơ hội được hưởng lương hưu; dẫn đến nhiều lao động khu vực trí thức, nông dân khó có điều kiện để được hưởng lương hưu. Lần này, Trung ương có chủ trương theo lộ trình giảm đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm giúp người dân có lương hưu để bảo đảm cuộc sống tuổi già; việc thiết kế chính sách đối với lao động khu vực phi chính thức cũng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mức đóng, phương thức đóng chứ không như bảo hiểm bắt buộc. Chính vì thế, Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương đã yêu cầu “nghiên cứu, thiết kế các gói BHXH ngắn hạn, linh hoạt cho khu vực phi chính thức để phù hợp với mức đóng, phương thức đóng của người lao động”.

Hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Việt Nam hiện có khoảng 54 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân và có đến 70% lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực phi kết cấu. Đây là khu vực không có quan hệ lao động, tỷ lệ làm việc không bền vững, chiếm 2/3 đến 3/4 lực lượng lao động đang làm việc. Chính vì vậy, Nghị quyết 28-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2021, đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đồng thời, đặt ra yêu cầu thực hiện cải cách để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn...

Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2020, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH là 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; BHXH Việt Nam thực hiện các biện pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. 

Kết quả, tính đến 31.12.2020, số người tham gia BHXH đạt 16.176.180 người, bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu đặt ra năm 2020; có 622.020 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu BHXH bắt buộc năm 2020 là trên 261,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2020, đất nước gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động tại doanh nghiệp vẫn đạt 5.687.180 đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019. Tổng số chi các chế độ BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 47.146 tỷ đồng, giảm 115 tỷ đồng (tương ứng 0,2%) so với năm 2019. Tổng số chi chế độ từ nguồn quỹ BHXH là 193.619 tỷ đồng, tăng 15.124 tỷ đồng (8,47%) so với năm 2019. Số người hưởng BHXH một lần năm 2020 là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019. Đáng chú ý, quy mô các quỹ BHXH, BHTN tiếp tục tăng hàng năm. Tổng số dư các quỹ BHXH, BHTN đến năm 2020 đạt 953 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2019.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đánh giá các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực và đã tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO.

Sớm hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội

Nhằm nâng cao hiệu quả bảo toàn, phát triển quỹ BHXH, BHTN, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ BHXH” làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các luật có liên quan. Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững...

Trong giai đoạn tới, để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, nhất là vấn đề phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Bảo hiểm xã hội về các hình thức đầu tư để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động.