Đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong biến đổi khí hậu

- Thứ Tư, 17/11/2021, 05:56 - Chia sẻ
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết). TS. Kỹ sư VÕ KIM CƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Các chỉ tiêu có sự cân nhắc kỹ lưỡng

­­- Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025. Theo ông, quy hoạch này có ý nghĩa như thế nào?

 

- Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần nêu ý kiến rằng cần có một quy hoạch tổng thể quốc gia về tài nguyên, trong đó có đất đai. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thực chất là quy hoạch tổng thể về tài nguyên đất đai và môi trường, tức là quy hoạch đó không phải tính toán theo nhu cầu sử dụng đất thông thường mà điều rất quan trọng là phải trên cơ sở bảo đảm môi trường sống cho cả trăm triệu người trong trước mắt và lâu dài.
Theo đó, việc bảo đảm môi trường chủ yếu, trước tiên là phải bảo vệ rừng và an ninh lương thực; tiếp đến là phân bổ các khu vực để phát triển đô thị, công nghiệp và nông lâm ngư nghiệp, tức là phải dùng công cụ đất đai để bảo vệ môi trường. Như vậy, việc ban hành Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nếu không có quy hoạch chung đó, phát triển mà không hướng tới bảo vệ môi trường thì thế hệ sau sẽ rất gay go.

- ­Nghị quyết xác định các mục tiêu cụ thể như giữ ổn định 3,5 triệu hecta đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%... Ông nghĩ sao về các mục tiêu này?

­- Như tôi phân tích ở trên, việc đặt ra các chỉ tiêu này chính là dùng công cụ đất đai để bảo vệ môi trường, tránh tình trạng thấy đất trồng lúa không hiệu quả thì chuyển sang đất khác và đe dọa đến an ninh lương thực, hoặc tránh phá rừng để phát triển kinh tế. Tôi tin rằng, để đưa ra chỉ tiêu đó, Chính phủ và Quốc hội đã có cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng và tôi hoàn toàn ủng hộ.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Nguồn ITN

Sửa Luật Đất đai càng sớm càng tốt

­- Cùng với việc đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xác định phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông nghĩ sao về việc này?

- Phải khẳng định rằng định hướng này là hoàn toàn phù hợp với xu thế quốc tế cũng như thực tiễn của nước ta. Biến đổi khí hậu có nhiều nội dung gắn với rừng, nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh, đô thị xanh… trong đó quan trọng nhất là bảo vệ đất đai do nước biển dâng. Do vậy, theo tôi, cùng với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cần có quy hoạch về môi trường đi kèm, tức phải xây dựng tổng sơ đồ môi trường quốc gia để xem khu vực nào thấp thì phải đắp đê cao chẳng hạn…

- Để bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết, theo ông cần lưu ý những gì?

­­ - Trước tiên, cần rà soát, sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan và phải làm càng sớm càng tốt. Bởi lẽ trên thực tế, lĩnh vực đất đai là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện của người dân; tham nhũng, thất thoát tài sản của Nhà nước chủ yếu cũng từ đất đai. Trong đó, quan điểm về tài chính đất đai phải thay đổi. Theo đó, Nhà nước không thể định giá đất theo ý chí chủ quan bằng việc đặt tên loại đất mà phải để giá đất tuân theo thị trường, đúng với vị trí, hiệu quả khai thác của nó. Khi đó sẽ tránh được tình trạng hai mảnh đất gần nhau nhưng lại hưởng giá đền bù khác nhau chỉ bởi mảnh này được cơ quan quản lý xác định là đất thương mại còn mảnh kia là đất phục vụ công trình công cộng, dẫn đến khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nội hàm của việc “phân bổ hợp lý” nguồn lực đất đai. Trong cơ chế thị trường, các nguồn lực cần giải quyết theo cơ chế định hướng chứ không phải phân bổ giống như có một khoản tiền và cấp cho chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Đất đai có vị trí của nó và phải được sử dụng theo mục đích có lợi nhất. Chẳng hạn, nếu thấy sản xuất lúa không hiệu quả, muốn chuyển sang đất khác thì phải tính toán kỹ để bảo đảm an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài cho người dân. Nếu hiểu nghĩa phân bổ theo ý này, dựa trên cơ sở khoa học mới hợp lý, chứ không phải phân bổ để sử dụng cho các đối tác khác nhau.

Thêm nữa, lâu nay, chúng tôi cũng nhiều lần đề xuất quy hoạch tổng thể quốc gia về đất đai là cực kỳ quan trọng và cần thiết, khi ban hành cần bãi bỏ hết các quy hoạch chi tiết sử dụng đất của ngành tài nguyên và môi trường từ cấp tỉnh trở xuống bởi sẽ gây ra sự trùng lặp, không cần thiết.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện