Đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển xã hội bền vững

- Thứ Tư, 03/11/2021, 11:00 - Chia sẻ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: Quang Khánh

Trình bày tham luận về việc triển khai định hướng hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nêu rõ một số nhiệm vụ lập pháp cần được ưu tiên trong lĩnh vực xã hội. Trước hết, hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, trọng tâm là pháp luật việc làm và bảo hiểm xã hội; bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm độ bao phủ, điều chỉnh những yếu tố mới phát sinh sau đại dịch Covid-19. Nhiệm vụ lập pháp cần ưu tiên là: sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội; sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, phòng bệnh, trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách an toàn, thuận lợi của tất cả người dân, phù hợp với tình hình mới; phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh có quy mô, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, tăng cường công tác y tế dự phòng; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, phát triển mô hình bác sĩ gia đình; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp dược. Nhiệm vụ lập pháp cần phải ưu tiên là: sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (hiện Chính phủ đang đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022); rà soát, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác. Nghiên cứu, xây dựng mới Luật điều chỉnh về phòng bệnh hoặc phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, Luật điều chỉnh về trang thiết bị y tế, Luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính, Luật điều chỉnh về Y dược cổ truyền, Luật Dân số (thay thế Pháp lệnh dân số).

Thứ ba, thể chế hóa đầy đủ nội dung của Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20.1.2018 của Ban Bí thư về công tác bình đẳng giới, bảo đảm phù hợp Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy hiệu quả các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiệm vụ lập pháp cần triển khai: sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 5.2022); sửa đổi Luật Bình đẳng giới.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn nhằm thể chế các Nghị quyết có liên quan của Đảng; bảo đảm sự đồng bộ với Bộ luật Lao động năm 2019; đặc biệt phải đáp ứng trước đòi hỏi ngày càng cao về bảo đảm quyền của người lao động, thị trường lao động và thực sự góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Đặc biệt, một số vấn đề mới liên quan đến quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Thứ năm, nâng cao vai trò nòng cốt, cầu nối của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo; để các hoạt động nhân đạo tiến hành ngày càng có hiệu quả, góp phần thực hiện các chính sách xã hội, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, xây dựng khung khổ pháp lý cho việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, tránh các hành vi lợi dụng vi phạm pháp luật. Nhiệm vụ lập pháp cần triển khai: rà soát, sửa đổi Luật Hoạt động chữ thập đỏ; nghiên cứu, xây dựng dự án luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Thứ sáu, xây dựng luật về mại dâm, quy định về phòng ngừa, ứng phó với các hành vi bạo lực đối với người bán dâm; chính sách, mức hỗ trợ kinh phí giúp người bán dâm hoàn lương với các hoạt động hỗ trợ dịch vụ y tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp tâm lý, dạy nghề.

Chấm dứt hiện tượng “xếp gạch, đặt chỗ”

Việc triển khai thực hiện định hướng hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội có khối lượng công việc rất nhiều. Do đó. Ủy ban Xã hội đã xác định một số giải pháp nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ lập pháp. Trong đó có quán triệt nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng - đây là nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm sự thành công của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; phát huy tính dân chủ, chủ động, tích cực, ý thức trách nhiệm và đặc biệt là sức mạnh tập thể. Xác định rõ hơn cơ chế phân công, phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất. Tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 các quy định pháp luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân... Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật về lĩnh vực Ủy ban phụ trách để sửa đổi, bổ sung kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi, áp dụng pháp luật.

Ảnh: Quang Khánh

Thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục và bảo đảm chất lượng nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt kiên quyết không thẩm tra những dự án luật không bảo đảm chất lượng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhưng vẫn đảm bảo tính phản biện, độc lập, khách quan trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Đồng thời, cũng lưu ý Chính phủ, các bộ, ngành trình dự án Luật cần quan tâm nghiên cứu, phân tích, đánh giá sâu tác động chính sách để bảo đảm tính khả thi của chính sách đề xuất.

Huy động sự tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan theo từng vấn đề cụ thể trong dự án luật, pháp lệnh; thực hiện tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời, đánh giá thực tiễn đầy đủ, lắng nghe ý kiến của Nhân dân; đặc biệt là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của dự án luật để bảo đảm tính phản biện, khách quan.

Kết hợp chặt chẽ giữa công tác giám sát, khảo sát, tổng kết thực tiễn và nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Kết quả giám sát là cơ sở quan trọng để đề xuất, thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như để thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết.

Tăng cường hoạt động giám sát, trong đó có giám sát văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là kênh thông tin quan trọng để phản ánh mức độ đi vào cuộc sống của văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời sửa đổi những quy định pháp luật trong thực tiễn có phát sinh vướng mắc, từ đó đề xuất các yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách một cách phù hợp, khả thi, chất lượng, đạt hiệu quả cao.

Công tác xây dựng pháp luật là hoạt động phức tạp và rất khó để có được những dự án luật có chất lượng nếu đầu tư chi phí thấp. Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội cần bố trí ngân sách xây dựng pháp luật thích đáng, với chế độ tài chính phù hợp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong nói.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đề xuất lộ trình hoạch định chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030 thuộc lĩnh vực bộ, ngành quản lý. Đây là nền tảng để xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong các năm tiếp theo có tính khả thi và tập trung vào mục tiêu nêu trên. Chấm dứt hiện tượng “xếp gạch, đặt chỗ”, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí, không trên cơ sở nhu cầu thực sự, không dựa trên cơ sở bằng chứng, chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ; từng bước khắc phục tình trạng xây dựng luật chắp vá, manh mún, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên.

Thực hiện nghiêm túc quy trình lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết không trình ra Quốc hội những dự án luật, pháp lệnh không bảo đảm chất lượng và tiến độ soạn thảo, không phục vụ các mục tiêu hoàn thiện thể chế và hiệu quả điều hành của Chính phủ mà phục vụ lợi ích cục bộ của các ngành, lĩnh vực.

Thanh Chi