“Đất ngọc” Lục Yên và mục tiêu phát triển xanh

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:02 - Chia sẻ
Lục Yên là huyện vùng cao giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa các dân tộc của tỉnh Yên Bái, nằm bên dòng sông Chảy, với các dãy núi đá vôi hùng vĩ, phong cảnh non nước hữu tình. Do vị trí chiến lược, luôn nằm trên đường tiến của quân xâm lược phương Bắc nên mảnh đất Lục Yên đã ghi đậm nhiều dấu son lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Từ nỗ lực phục hồi cây đặc sản bản địa...

Lục Yên nổi tiếng với nhiều loại đặc sản gắn liền với văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây như cam sành, quýt vỏ giòn, hồng không hạt Vĩnh Lạc, lạc đỏ, đỗ tương, khoai tím, gạo nếp cái hoa vàng… do đặc thù thổ nhưỡng và tiểu khí hậu. Nhưng do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, nên nhiều loại cây đặc sản bản địa dần bị thoái hóa, mai một, diện tích giảm sút.

Không phải bây giờ trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, mà từ khi còn làm Bí thư Huyện ủy, anh Phùng Quốc Hiển, cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Lục Yên luôn trăn trở với việc làm thế nào để tìm được lời giải, phục hồi được các loại cây ăn quả bản địa, hầu giữ cho được hồn cốt, bản sắc của địa phương và cũng là nền văn hóa ẩm thực của đất nước.

Lục Yên đã từng có trên 3.000ha cam sành nổi tiếng “quả to, vỏ bóng, múi mọng, ngọt lịm, tan chảy trong miệng”. Vậy nên, trong lần về thăm Lục Yên mới đây cùng một số chuyên gia nông nghiệp, vừa tới xã Khánh Thiện là anh đi thẳng đến vườn cam của anh Hoàng Văn Cương, người Tày, ở thôn Làng Giàu. Tự tay cầm cuốc thăm đất ở một vài chỗ trong vườn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận thấy do sử dụng nhiều phân bón vô cơ nên chất đất đã kém đi nhiều, mặt đất chai cứng, mọc rêu, tầng thực bì giảm, độ phì nhiêu kém. “Không có con giun đất nào”, anh nói. Anh cũng thấy xót xa khi nhiều lá cam bị quăn, rộp do rầy, rệp.

Với cách canh tác phụ thuộc nhiều vào hóa chất như thế này thì ngay các giống mới đưa về như cam Tây Ban Nha, cam Vinh… cũng khó phát triển, chưa nói gì đến phục hồi được giống cam sành bản địa. Hỏi thăm Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Yên Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Quốc hội được biết 30 gốc cam bản địa được Phó Chủ tịch đưa phân hữu cơ về bón thử nghiệm từ năm 2018 đã có kết quả khá khả quan khi các cây trẻ phục hồi tốt, xanh tươi hơn, quả nhiều hơn. Duy có những cây già phục hồi chậm!

Đi tiếp đến ruộng lúa đang trồng loại giống mới gốc Nhật Bản J02, Phó Chủ tịch Quốc hội dừng lại hỏi thăm người dân và được biết, tuy năng suất lúa cao nhưng người dân vẫn sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật nên trên đồng ruộng vắng bóng tôm, cua, lươn, cá. Thậm chí vịt thả ra cũng không có gì ăn. Người nông dân chỉ thu hoạch được lúa là chính, không có các sản phẩm phụ, trong khi nếu sử dụng phân hữu cơ, họ sẽ có thêm cả chục cân tôm, cá.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận thấy, do người dân cấy lúa không đúng cách nên cây lúa nhận ánh nắng không đều, quang hợp kém, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hạt lúa. Từng đoạt Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), chuyên gia nông nghiệp Trần Ngọc Nam, nhà sản xuất phân bón hữu cơ Ong Biển cho biết, anh mong muốn được hỗ trợ xã Khánh Thiện máy cấy lúa do anh tự cải tiến để làm giảm sự nặng nhọc của việc cấy bằng tay, đồng thời góp phần tăng năng suất, chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả kinh tế cây lúa.

Là người đam mê đến “cuồng tín” nông nghiệp hữu cơ, anh Trần Ngọc Nam đã từng nghiên cứu, thiết kế, đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải và đồng hành với bà con nông dân ở khắp ba miền trong nhiều mô hình sản xuất nông sản “sạch tuyệt đối” thành công ở nhiều địa phương, với cây tiêu, cà phê, lúa, cây ăn quả… Anh “cấp không” phân bón cho bà con, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, để rồi thu mua lại thành quả lao động với giá luôn cao hơn thị trường để chế biến và xuất khẩu với tâm niệm mong giúp bà con mau “giàu có, hạnh phúc”.

Anh Trần Ngọc Nam hứa hỗ trợ huyện 20 tấn phân hữu cơ Ong Biển để bà con nông dân bón thử cho các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của Lục Yên như lúa, cam sành, hồng không hột, quýt sen, lạc đỏ… Anh cũng gợi ý huyện có thể giới thiệu một doanh nghiệp tâm huyết để anh hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ sử dụng chất thải tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, phân phối, để phục vụ bà con hiệu quả nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trao đổi với cán bộ và bà con huyện Lục Yên tại xã Khai Trung ngày 28.7.2020  

Ảnh: Trần Văn 

... đến mục tiêu phát triển xanh

Tại nhà sàn văn hóa xã Khai Trung, một xã vùng cao chủ yếu có đồng bào dân tộc Dao đỏ và Tày sinh sống, Bí thư Huyện ủy Lục Yên Hoàng Hữu Độ báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội kết quả thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 23.6 vừa qua với mục tiêu: Xây dựng quê hương Lục Yên phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; đến năm 2025 cơ bản 21 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và Lục Yên trở thành huyện nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội căn dặn cán bộ lãnh đạo và người dân Lục Yên phải thay đổi toàn bộ tập quán canh tác cũ, khai thác tiềm năng lợi thế, kiên trì đi theo con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ để giải quyết thật căn cơ vấn đề môi trường, phục hồi hệ sinh thái, hoàn trả độ phì nhiêu cho đất, làm cho đất tơi xốp trở lại, tôm cá về lại với đồng ruộng, để các nông đặc sản nổi tiếng lại làm nên thương hiệu Lục Yên.

Đến với Lục Yên hôm nay, chúng ta được chứng kiến thị trấn Yên Thế, huyện lỵ của Lục Yên, đang được xây dựng, chỉnh trang cho ra dáng một thị tứ vùng cao với chợ đá quý nổi tiếng. Các con đường bê tông mới liên xã, liên thôn mà chúng tôi đi qua, đoạn đã hoàn thành, đoạn đang thi công… Tất cả đều phục vụ cho mục tiêu và quyết tâm đi theo con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế đồi rừng, bên cạnh phát triển sản xuất công nghiệp chế biến, chế tác dựa vào tài nguyên.

Để có được một Lục Yên như ngày nay là công sức, tâm huyết, sự tìm tòi, nỗ lực vượt khó vươn lên của biết bao thế hệ cán bộ, lãnh đạo và bà con các dân tộc nơi đây, trong đó có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ngay từ khi còn là Bí thư Huyện ủy. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của bà con các dân tộc nơi “đất ngọc” Lục Yên - một địa chỉ lịch sử, văn hóa, du lịch đậm đà bản sắc của vùng Tây Bắc.

TS Trần Văn
ĐBQH Khóa XII, XIII