Đặt người dân vào vị trí trung tâm

- Thứ Tư, 20/10/2021, 06:29 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 sau 2 năm hoành hành đã bào mòn nguồn lực của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhiều chỉ số thống kê "chạm đáy" trong quý III phản ánh rõ nét nhất sự tổn thương của nền kinh tế. Tinh thần "sống chung với Covid-19" đã thể hiện rõ trong nghị quyết thích ứng của Chính phủ nhưng các địa phương vẫn mỗi nơi thực thi một kiểu, và bản đồ dịch trên toàn quốc chậm được công bố, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại, làm ăn của người dân, doanh nghiệp…

Thời gian qua, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã đề xuất các gói chính sách kích thích kinh tế khác nhau như mở rộng đầu tư công; ưu đãi, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất… Mỗi nhóm giải pháp có ưu, nhược điểm khác nhau. Hiệu quả của từng gói cũng cần được đánh giá cụ thể và liều lượng tới đâu còn phụ thuộc vào “sức khỏe” nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, điểm chung là những chính sách vĩ mô lớn để vực dậy nền kinh tế đều vượt ra khỏi thẩm quyền quyết định của Chính phủ và cần đến quyết định trực tiếp từ các đại biểu Quốc hội.

Bởi vậy, Kỳ họp thứ Hai được cử tri hết sức mong đợi. Ngoài công tác lập pháp như thường lệ, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế... Đây đều là những vấn đề nóng bỏng, người dân quan tâm và kỳ vọng Quốc hội sẽ có những quyết sách trúng và đúng để sớm đưa đất nước vào quỹ đạo phục hồi, không bị lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Kỳ vọng và niềm tin của cử tri hoàn toàn có cơ sở! Bởi những gì diễn ra trong 7 tháng qua cho thấy Quốc hội Khóa XV luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết đáp, quyết sách và huy động trí tuệ chuyên gia, Nhân dân để nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Không “bắc nước chờ gạo người”, Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã thông qua nhiều kênh thông tin nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong dịch bệnh và chủ động đề xuất giải pháp chính sách để tháo gỡ. Mặc dù phần lớn các thông tin này sẽ được cung cấp trong các báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng phần lớn chưa phải là tất cả. Những thông tin được thu thập độc lập rất quan trọng, có thể giúp các đại biểu nhìn nhận, đánh giá thực chất các vấn đề; khen, chê “đúng, trúng” và quyết đáp chính xác.  

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng đã huy động tối đa nhà khoa học, chuyên gia vào công việc của mình ở các lĩnh vực, để Quốc hội không chỉ là trí tuệ của các đại biểu mà là trí tuệ của toàn dân như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi nói về sự đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội Khóa XV. Không chỉ các Ủy ban tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhóm dân cư khi làm chính sách mà đích thân Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì một cuộc tọa đàm ở “tầm” Quốc hội tham vấn ý kiến chuyên gia, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp về tình hình kinh tế - xã hội. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần cầu thị, sự huy động và kết nối chất xám, tri thức từ lực lượng chuyên gia một cách có hệ thống mà còn chứng tỏ Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới và sáng tạo để đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường, để phụng sự tốt nhất lợi ích của đất nước, của người dân.  

Kỳ vọng của cử tri càng lớn thì trách nhiệm của Quốc hội và từng đại biểu càng nặng nề cho chặng đường phục hồi kinh tế còn nhiều khó khăn sắp đến. Đặt người dân vào vị trí trung tâm, đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, huy động trí tuệ chuyên gia… sẽ giúp mỗi đại biểu cũng như toàn thể Quốc hội có cái nhìn sát thực tế hơn, có những sáng kiến chính sách hiệu quả hơn để giúp nền kinh tế sớm phục hồi và hoàn thành những kỳ vọng lớn lao của người dân.

Hà Lan