Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV:

Đặt ra các mục tiêu phát triển có tính thực tế hơn

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 18:54 - Chia sẻ
Chiều 29.10, ngay sau khi nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.

Vẫn còn khoảng cách giữa giải pháp và thực tiễn

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, bệnh Covid-19 thời gian qua.

Y Thanh Hà Niê Kđăm điều hành phiên họp tổ 2 ( TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long)
Ảnh: Quang Khánh

Tâm đắc với quan điểm hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, tháo gỡ rào cản thể chế theo hướng "vướng ở cấp nào thì cấp đó sửa đổi, hoàn thiện", ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là chủ trương rất xác đáng và phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dẫn chứng cho điều này, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết, trong tổng số 130 nhiệm vụ Chính phủ nêu ra có đến 24 nhiệm vụ liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế. Trong đó, đã đề ra việc hoàn thiện các đạo luật mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua và những đạo luật mang tính chất tạo ra không gian mới, dư địa mới cho phát triển, như Luật về công nghiệp công nghệ số; Luật về giao dịch điện tử và kinh tế số…

ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên họp tổ

Về các nhiệm vụ và giải pháp, theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), xuất phát điểm của giai đoạn 2021 - 2025 là nền kinh tế đang chịu hậu quả rất nặng nề của đại dịch Covid-19, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Cùng với đó là sự chuyển dịch lao động lớn giữa các khu vực, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa… Cho rằng “vẫn còn khoảng cách giữa giải pháp và thực tiễn trong Kế hoạch, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần có nhận thức đầy đủ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 để đặt ra các mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021 -2025 có tính thực tế hơn. Trước mắt, cần kích thích sự phát triển của nền kinh tế, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát, kiềm chế được lạm phát, vừa đẩy mạnh đầu tư công để tạo nền tảng thu hút đầu tư tư nhân, phát huy vai trò là động lực của sự phát triển.

Liên quan đến cơ cấu lại khu vực đơn vị sự nghiệp công, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận thấy, thời gian qua công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị định để tạo cơ sở pháp lý để triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, với những chỉ tiêu chưa đạt được trong lĩnh vực này thì cần có thể chế ổn định và căn cơ hơn. Cụ thể là xây dựng một đạo luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công nhằm điều chỉnh đầy đủ, toàn diện và đồng bộ về lĩnh vực này, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất.

Khắc phục được tối đa tình trạng “quy hoạch treo”

Đa số ĐBQH đánh giá cao Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia. ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng, một trong những hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, đó là lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Về cơ bản, Quy hoạch đã thể hiện ý chí của toàn dân vì là sở hữu toàn dân. Đồng thời, bảo đảm tầm nhìn dài hạn, tổng thể phù hợp với từng thời kỳ, tạo động lực để phát triển. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất quốc gia và bảo đảm tính khả thi, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, cần tổng kết, đánh giá chính xác tổng thể thực trạng và lý giải nguyên nhân việc thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp tổ 5 (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận)

Ảnh: Quang Khánh 

Thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn tình trạng “quy hoạch treo” kéo dài gây lãng phí về nguồn lực đất đai, người dân không thể thực hiện sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Hệ lụy kéo theo là tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ngày càng nhiều. Phản ảnh thực trạng này, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, Quy hoạch lần này phải khắc phục tối đa tình trạng “quy hoạch treo” nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của nguồn lực đất đai. 

Về chỉ tiêu đất trồng lúa, các ĐBQH cho rằng, đã đáp ứng đúng mục tiêu, yêu cầu về an ninh lương thực. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, cần tính toán hợp lý nhất diện tích tăng hoặc giảm, bởi yếu tố quan trọng chính là năng suất nên phải giữ được những diện tích trồng ở khu vực tốt nhất. Hay như với diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất cũng cần lưu ý giữ rừng ở vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, rừng phòng hộ có vị trí trọng yếu trong việc điều tiết nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, thiên tai, bảo vệ môi trường…

N. Thành