Huyện Quốc Oai, Hà Nội

Đặt sản xuất an toàn lên hàng đầu

- Thứ Tư, 12/05/2021, 06:56 - Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, để sản phẩm vào được siêu thị thì ngoài giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất, tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, hộ sản xuất, hợp tác xã cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.
	Huyện Quốc Oai có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ. Nguồn: ITN
Huyện Quốc Oai có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ.
Nguồn: ITN

Tiêu thụ nông sản còn gặp “khó”

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, thời gian qua, huyện Quốc Oai đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, trên huyện Quốc Oai đã hình thành được một số vùng chuyên canh như trồng cây ăn quả ở các xã Đại Thành, Yên Sơn cho thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ha/năm; trồng rau an toàn ở các xã Nghĩa Hương, Sài Sơn, Tân Phú, Cộng Hòa… cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/ha/năm; trồng chè chuyên canh tại xã Hòa Thạch mang lại doanh cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn những vướng mắc nhất định ở khâu kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản.

Ông Dương Đình Khôi - chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên, đặc sản làng So (xã Tân Hòa) cho biết, cuối năm 2019, miến dong Dương Kiên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện, mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình làm được 1 tấn miến dong, ngày cao điểm có thể sản xuất được 3 tấn miến. Sản phẩm miến dong Dương Kiên được đóng gói 500g/túi, có tem, nhãn mác với đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện đơn vị này đã kết nối tiêu thụ được 2 dòng miến đen và miến vàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, việc sơ chế, đóng gói, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu còn một số lúng túng, ít thông tin về thị hiếu tiêu dùng của người Nhật về dòng sản phẩm này.

Giám đốc Hợp tác xã Nấm, Đông trùng hạ thảo BioFine (xã Sài Sơn) Nguyễn Huy Chiều chia sẻ, hiện nay các sản phẩm nấm và đông trùng hạ thảo của hợp tác xã đáp ứng tiêu chí về chất lượng, quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường 6 tấn mộc nhĩ khô, 3 tấn nấm sò và 40kg đông trùng hạ thảo khô. Một số sản phẩm đã được TP. Hà Nội cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, OCOP 3 sao. “Mong muốn của hợp tác xã là được liên kết với các doanh nghiệp đưa các sản phẩm nấm, mộc nhĩ, đông trùng hạ thảo tiêu thụ ổn định thông qua kênh siêu thị”, ông Nguyễn Huy Chiều nói.

Là một sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, song gà Mông thả đồi (xã Đông Yên) cũng gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú - ông Lê Đình Bình cho biết, hợp tác xã có hơn 50 thành viên tham gia nuôi gà Mông thả đồi với tổng đàn khoảng 80.000 con/năm. Các hộ đều tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ từ nguồn gốc con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thú y... Nhờ vậy, gà xuất chuồng luôn bảo đảm chất lượng, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên sản phẩm gà Mông thả đồi Đông Yên chưa thể đặt chân vào kênh siêu thị. Hợp tác xã đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ chứng nhận nhãn hiệu tập thể để mở đường cho sản phẩm gà có thể đi vào các kênh phân phối lớn. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người chăn nuôi. 

Tương tự, cơ sở sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng Min Min tại thôn Ro  (xã Tuyết Nghĩa) mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 40.000 hộp ngũ cốc các loại. Theo bà Nguyễn Thu Nga - chủ cơ sở sản xuất này cho biết, việc phân phối của cơ sở hiện nay chủ yếu qua kênh thương mại điện tử, khi hướng tới các kênh bán truyền thống, rất mong được cơ quan chức năng hỗ trợ tiếp cận với hệ thống phân phối của các doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm sạch bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác.

Liên kết với đơn vị lớn

Ông Triệu Thành Nam, Phó Trưởng phòng Chính sách thương mại - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định, hiện nay khâu xây dựng kết nối thương mại cũng như chế biến, bảo quản, xây dựng bao bì nhãn mác… của các cơ sở trên địa bàn huyện Quốc Oai còn khá yếu. Huyện Quốc Oai cũng như các đơn vị cần đẩy mạnh liên kết với các đơn vị lớn để được tư vấn, hỗ trợ và tiếp cận thông tin hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tạ Văn Tường cho rằng, để tiêu thụ nông sản yếu tố tiên quyết là các hộ dân cần thành lập các nhóm hộ, nhiều nhóm hộ thành hợp tác xã, qua đó lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn. Mặt khác, bản thân các HTX cần có tư duy để phân tích, có chiến lược tiếp cận phân khúc thị trường. “Tôi lấy ví dụ sản phẩm của 1 hợp tác xã đang tiêu thụ tốt vào kênh bếp ăn trường học, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, kênh này dừng tiêu thụ thì sản phẩm bán ở đâu? Do vậy, hợp tác xã phải nhanh nhạy tiếp cận được đối tượng khách hàng là phụ huynh học sinh để tiêu thụ sản phẩm không bị gián đoạn”, ông Tường nhấn mạnh.

Có thể thấy, đầu ra cho sản phẩm luôn là bài toán khó đối với hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh. Sản phẩm vào được siêu thị chính là kênh đầu ra ổn định nhất về mặt lâu dài. Song, kênh bán lẻ hiện đại đòi hỏi gắt gao về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, ngoài giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất, tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, hộ sản xuất, hợp tác xã cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.

T. T