Dấu ấn khoa học công nghệ

- Thứ Tư, 10/01/2018, 08:20 - Chia sẻ
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hôm qua, 9.1, hầu hết đại biểu khẳng định KH - CN có dấu ấn trong tất cả các ngành, không bị động trước cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Không bị động

Có mặt tại hội nghị từ rất sớm để chia vui với người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: 2017 là năm chứng kiến vai trò KH - CN như động lực cho sự phát triển và tăng trưởng KT - XH đất nước. Trong lĩnh vực quản lý cũng như phát triển của ngành công thương đều có vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đến thanh tra chuyên ngành. Có thể khẳng định, KH - CN nghệ đã thực sự tạo nên giá trị sản xuất, tăng trưởng trong ngành công thương nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Cùng chung quan điểm, đại diện các ngành y tế, nông nghiệp, các doanh nghiệp và địa phương cũng nêu nhiều dẫn chứng rất ý nghĩa. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, KH - CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ 2 thế giới.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh điều hành hội nghị
Ảnh: Chí Tuấn

Giám đốc Học viện Quân y, GS.TS. Thiếu tướng Đỗ Quyết cũng cho rằng: Nhờ KH - CN mà ngành y tế đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, tự đáp ứng trên 50% nhu cầu thuốc chữa bệnh và bước đầu sản xuất để xuất khẩu. Trình độ của các y, bác sĩ được đánh giá ngang tầm khu vực và thế giới, đạt nhiều thành tựu trong việc ghép tạng, ghép tế bào gốc, mổ tim hở, nội soi tuyến giáp. Ngành y tế không bị động trước cách mạng 4.0, GS.TS. Thiếu tướng Đỗ Quyết khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết: Do áp dụng ứng tiến bộ KH - CN, đến nay xoài Cát Chu đã xuất khẩu sang thị trưởng Nhật Bản, Hàn Quốc… tổng giá trị đạt trên 2.300 tỷ đồng/năm.

Bám sát 4 trụ cột, 3 đột phá

 Trong năm 2018, Bộ xác định tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH - CN gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực xuất khẩu; triển khai các nhiệm vụ để nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp; đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ CHU NGỌC ANH

Biểu dương sự cố gắng của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn trong thời gian tới ngành KH - CN, những người làm quản lý tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Theo Thủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giai đoạn 2018 - 2020 có 4 trụ cột chính cần đổi mới và 3 đột phá phải thực hiện. Bộ Khoa học và Công nghệ cần đổi mới, đột phá, thích ứng và bền vững trong chiến lược ngành, bám sát Chương trình hành động của Chính phủ năm 2018, tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình kinh tế, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng; tập trung vào các mũi nhọn, tái cơ cấu ngành, chú ý ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến, bảo quản...

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, mặc dù khởi nghiệp đã có kết quả bước đầu nhưng đây là vấn đề còn khá mới mẻ, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và quỹ đầu tư còn khiêm tốn, cần có chủ trương, biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, cần tiếp tục đột phá trong nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo, coi doanh nghiệp là trung tâm. KH - CN phải góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả nền kinh tế. Đây là yêu cầu đột phá nên Bộ Khoa học và Công nghệ cần đề ra các giải pháp, yêu cầu cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Nhấn mạnh về 3 đột phá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước hết phải đột phá bằng thể chế, chính sách pháp luật; đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KH - CN, đưa ra quyết sách lớn, đặt hàng vĩ mô cho khoa học và công nghệ gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư cho nghiên cứu, định hướng ứng dụng. Đặc biệt là huy động đầu tư xã hội cho KH - CN; đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH - CN, trong đó cần quan tâm đến 3 đối tượng chính là: Các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng. Bên cạnh đó, KH - CN phải thích ứng với nền kinh tế tri thức thế giới, không để tạo khoảng cách, phải bảo đảm tính bền vững trong lộ trình phát triển KH - CN.

Cùng với 4 trụ cột, 3 đột phá, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KH - CN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ cao phải làm thành công trong năm 2018 và các năm tiếp theo để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; quan tâm triển khai vùng kinh tế trọng điểm dựa vào KH - CN, đặc biệt các vùng có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp; KH - CN phải gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với nền kinh tế trí thức; bảo đảm tính bền vững trong hoạch định phát triển; và cuối cùng, Thủ tướng lưu ý về phẩm chất đạo đức cán bộ KH - CN. “Phải xây dựng Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức KH - CN khỏe mạnh cả tư chất, thể chất cũng như phẩm chất”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

CHÍ TUẤN