Dấu ấn ngoại giao vaccine

- Thứ Tư, 15/09/2021, 06:27 - Chia sẻ

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia cập nhật đến trưa ngày 13.9, cả nước đã tiêm chủng được hơn 29,3 triệu mũi vaccine phòng Covid-19. Trong 4 ngày liên tục (từ 9 -12.9), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm vaccine được tiêm. Số liệu của Bộ Y tế cũng cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 35 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là AstraZeneca.

Có được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ quý báu của bạn bè quốc tế, tiếp tục khẳng định chiến lược vaccine là “chìa khóa” để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Trong đó, “ngoại giao vaccine” được xác định là mũi nhọn, một mặt trận quan trọng để triển khai thắng lợi chiến lược này.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lãnh đạo cao nhất của đất nước trong "ngoại giao vaccine", là minh chứng rõ nét cho thấy, đây là con đường hiệu quả nhất nhằm giúp đất nước tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới, trong bối cảnh vaccine phòng Covid-19 dự kiến sẽ được sản xuất trong nước đang trong quá trình thử nghiệm. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc điện đàm, gửi thư cho lãnh đạo hàng chục nước và tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine; đồng thời chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.

Tại phiên thảo luận cấp cao ở các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế hay các cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội các nước; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề hợp tác trong phòng, chống Covid-19, hỗ trợ vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam. Gần đây nhất, trong chuyến công tác tại châu Âu (từ ngày 5 - 11.9.2021) tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo; thăm, làm việc tại Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và Phần Lan, ngoại giao vaccine được triển khai một cách quyết liệt trong các hoạt động của Đoàn. Kết thúc chuyến công tác, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã mang về tin vui khi đối tác hỗ trợ 200.000 liều vaccine và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine... 

Không chỉ ở kênh song phương, Việt Nam cũng đẩy mạnh ngoại giao vaccine ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có những giải pháp đối với bất bình đẳng vaccine và khan hiếm vaccine. Cùng với Chính phủ, một số địa phương, tổ chức cũng có kế hoạch nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 theo chủ trương, kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19; khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19. 

Ngoại giao vaccine không chỉ dừng ở tiếp cận, nhập khẩu vaccine, Việt Nam đang thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất lâu dài. Bởi, đây là bài toán cơ bản để bảo đảm nguồn vaccine lâu dài và ổn định, đồng thời thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine trong nước. Vì vậy, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 từ các đối tác song phương và đa phương.

Có thể nói, ngoại giao vaccine vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là “mặt trận” quyết định thành công đối với chiến lược vaccine của Chính phủ. Do đó, để tăng tốc, triển khai hiệu quả hơn, quyết liệt hơn "mũi nhọn" này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan trong việc đôn đốc, đeo bám triển khai cam kết mà nước ta đã ký với các đối tác về 150 triệu liều vaccine; tiếp tục vận động các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế cung cấp nguồn vaccine cho Việt Nam; thúc đẩy sâu hơn, tích cực hơn việc hợp tác chuyển giao công nghệ để phục vụ sản xuất lâu dài. Từ đó, tạo thêm niềm tin, động lực và nguồn lực trong cuộc chiến chống đại dịch, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới".

Đỗ Quyên