Đau đầu “cai” game, mạng xã hội cho con

- Thứ Năm, 29/07/2021, 15:45 - Chia sẻ
Trước tác động của dịch Covid-19, trẻ em đang trải qua mùa hè đặc biệt khi không tụ tập bạn bè, không du lịch, mà chỉ có thể ở trong nhà sử dụng internet làm bạn với điện thoại, máy tính bảng… Trong khi đó lại thiếu sự giám sát của bố mẹ nên không ít trẻ nghiện game, nghiện xem những kênh có nội dung nhảm nhí, độc hại, có nguy cơ bị xâm hại trên nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube…

Tá hỏa khi thấy con có biểu hiện lạ

Trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, để hạn chế con ra ngoài chơi, chị Đỗ Thanh Ngân ở quận Thanh Xuân, Hà Nội không tiếc tiền mua cho con chiếc Ipad đời mới để giải trí. Từ ngày được mẹ tặng cho chiếc Ipad, hai cậu con trai đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi bỗng ngoan hẳn. Nhìn thấy 2 anh em chơi tình cảm không trêu nhau như mọi khi chị Ngân yên tâm làm việc. Tuy nhiên, sau một tháng thấy cả hai đứa luôn có biểu hiện thiếu ngủ, dù trưa và tối vẫn ngủ đúng giờ cộng thêm biểu hiện mệt mỏi, không muốn ăn. Thấy con suốt ngày dán mắt vào Ipad, chị Ngân tịch thu thì cả hai đứa đều nổi loạn, chốt cửa phòng, bỏ bữa... Lúc này chị mới tá hỏa vào kiểm tra Ipad thì thấy thay vì chơi và xem những chương trình giải trí thì hai cậu con trai tải những trò chơi game bạo lực, trong đó có những trò khuyến cáo chỉ dành cho người trên 18 tuổi.

Hệ luỵ khôn lường từ việc nghiệm game​​​​

Nguồn  ITN

Tương tự, cũng vì thương con mà chị Bùi Thu Hằng ở Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng sắm cho cậu con trai 8 tuổi chiếc ipad để giải trí. Thấy con thích thú xem chương trình jojo (chương trình dành cho trẻ em đang rất thịnh hành) chị rất yên tâm. Đặc biệt, thấy con cũng học phát âm tiếng Anh theo mỗi khi xem chị càng yên tâm và khuyến khích con xem thường xuyên. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, không hiểu sao con chị tìm được vào những link youtobe chứa nội dung bạo lực. Tác hại của game online ở trẻ giờ không còn là cảnh báo mà trong những năm gần đây trở thành nỗi lo của mỗi gia đình, xã hội. Đã có không ít hậu quả đáng tiếc xảy ra chỉ vì nghiện game online.

Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp chứng “nghiện game” là một dạng rối loạn tâm lý, tương tự như bệnh lý trầm cảm hay tâm thần phân liệt, cần có các cách điều trị chuyên khoa để giúp những “con nghiện” thoát khỏi ám ảnh tâm lý.

Đơn cử, ngày 25.3, Bùi Trọng Nghĩa (16 tuổi, ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, An Giang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi “Giết người, cướp tài sản”. Tại cơ quan công an, bước đầu Nghĩa khai nhận trong thời gian quen nhau, biết Thái Quang Minh (28 tuổi, ngụ phường Châu Phú B) có đeo trang sức có giá trị. Do cần tiền chuộc hai chiếc xe máy Nghĩa lấy của gia đình đem cầm cố lấy tiền chơi game, Nghĩa nảy sinh ý định cướp tài sản của Minh. Ngày 23.3, sau khi đi chơi và ăn uống xong, Nghĩa kêu Minh chở vào khu đô thị mới TP Châu Đốc ở phường Vĩnh Mỹ, Nghĩa dùng dao đâm nhiều nhát vào cổ và ngực khiến Minh tử vong. Sau đó, Nghĩa lấy 500.000 đồng cùng sợi dây chuyền và xe của Minh. Đến khoảng 8h sáng ngày 24.3, Nghĩa đem sợi dây chuyền cướp được của Minh đi bán được trên 34 triệu đồng. 

Để con không lạm dụng máy tính, điện thoại

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng: hậu quả nặng nề nhất mà trẻ nghiện game phải gánh chịu có thể kể đến là rối loạn về tâm lý. Khi nghiện game, trẻ chơi liên tục bất kể giờ giấc nên cuộc sống hàng ngày bị ảnh hưởng, trẻ không còn hứng thú học tập và những hoạt động như trước kia vẫn thích. Hơn nữa, trẻ có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình… Bên cạnh đó, hiện nay trên không gian mạng đầy rẫy những video nhảm nhí, độc hại. Những video độc hại trên mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sức khỏe tinh thần và tính mạng của trẻ em, gây nên một số vấn đề xã hội nghiêm trọng như bạo lực, xâm hại trẻ em và gia tăng trẻ em vi phạm pháp luật.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh nêu thực tế, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ vào mạng quá nhiều cũng tiềm ẩn những nguy hại hữu hình như lộ mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên môi trường mạng, nghiện game online, bắt nạt trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn nữa, trẻ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục trên mạng, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng như trốn trong máy giặt, treo cổ… khuyến khích tự sát…

Định hướng những trò chơi lành mạnh.
Nguồn  ITN

Hiện, có không ít bậc cha, mẹ đều quan niệm cho rằng, trẻ chơi game sẽ rèn luyện trí thông minh, khả năng phản ứng trở nên linh hoạt hơn. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi, lằn ranh chơi game giải trí với mê đắm game hết sức mong manh. Do đó, các chuyên gia tâm lý cho rằng, phụ huynh tốt nhất có biện pháp ngăn chặn từ xa, giúp con em mình không có khả năng tiếp cận nhiều với game từ thời gian đến công cụ. Nếu gia đình có internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng… và cho phép con em mình dùng những phương tiện này thì cần có biện pháp để kiểm soát. Một  giải  pháp  được  nhiều  gia  đình lựa chọn là bố, mẹ cùng chơi, cùng trò chuyện và định hướng cho con những môn giải trí lành mạnh như đọc sách, chơi trò chơi vận động trong nhà. Khi đứa trẻ được sống trong môi trường tình cảm, được sự quan tâm, được chơi và trò chuyện với bố mẹ thì không còn lạm dùng vào máy tính, điện thoại. Đây cũng là giải pháp để giữ và bảo vệ con được an toàn trước bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp.

Thái Yến