Phát triển kinh tế tập thể:

Đâu là giải pháp căn cơ ?

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 09:18 - Chia sẻ
Thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã và đang phát triển rộng khắp trên các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, số hợp tác xã tổ chức, hoạt động quy mô lớn chưa nhiều, sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau theo mô hình Liên hiệp hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp mới được hình thành bước đầu. Cả nước vẫn còn 900 hợp tác xã chưa tổ chức lại hoạt động, chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012…
Kinh tế tập thể thực sự là hạt nhân quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững
Kinh tế tập thể thực sự là hạt nhân quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững

Còn đó những hạn chế

Thực tế phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã trong thời gian qua cho thấy, mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng được mở rộng, trở thành xu thế chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất để hợp tác xã nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Các địa phương trong cả nước đã chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng, đề án xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị…đã tạo đà cho kinh tế tập thể,  hợp tác xã không ngừng phát triển. Nhờ đó, đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%, đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, tác động gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình, đóng góp trên 30% GDP cả nước. Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đã thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Kinh tế tập thể, hợp tác xã cung cấp dịch vụ sản xuất và đời sống cho thành viên, tích lũy khoảng 18.600 tỷ đồng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất…

Với những thành quả trên, kinh tế kinh tế tập thể, hợp tác xã thực sự là "hạt nhân" quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhiều hợp tác xã có tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội .

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay số hợp tác xã tổ chức, hoạt động quy mô lớn chưa nhiều, nhất là hợp tác xã  gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, cả nước mới có 600 doanh nghiệp, chiếm 0,06% tổng số doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, THT và nông dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, hiện còn 900 hợp tác xã chưa tổ chức lại hoạt động, chuyển đổi theo Luật hợp tác xã năm 2012 do vướng mắc về tài sản, tài chính, xử lý công nợ.

Đâu là giải pháp ?

Sở dĩ kinh tế tập thể vẫn còn có những hạn chế trên, theo các chuyên gia là do nhận thức về bản chất, vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội chưa đầy đủ, chưa thống nhất, vẫn còn tư tưởng mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ. Cùng với đó, việc thực hiện khoán đến hộ sản xuất nông nghiệp trước đây, hầu hết hợp tác xã nông nghiệp không còn đất đai, trụ sở và công cụ sản xuất, không có điều kiện để tái cơ cấu sản xuất. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã được ban hành nhưng thiếu đồng bộ; nguồn lực hỗ trợ phân tán ở nhiều kênh. Năng lực nội tại, đội ngũ cán bộ quản trị của nhiều hợp tác xã  còn yếu...

Do vẫn còn tư tưởng mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ nên nhận thức về khu vực kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế
Do vẫn còn tư tưởng mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ nên nhận thức về khu vực kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế

Để khắc phục được những bất cập trên, theo các chuyên gia, việc tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của hợp tác xã kiểu mới, vai trò và lợi ích của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển đất nước là việc làm rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tập trung truyên truyền, vận động, khuyến khích tầng lớp thanh niên tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình hợp tác xã. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác xã phát triển. Trong đó, rà soát và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo các chương trình, đề án đã được phê duyệt; Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho hợp tác xã. Cùng với đó là cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cụ thể là thực hiện tái cơ cấu, giải thể dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập hợp tác xã mới. Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa... nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ là điều kiện cần thiết để kinh tế tập thể tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả trong thời gian tới.

Bảo Ngân