Dấu mốc của công cuộc đổi mới lần hai

- Thứ Ba, 02/02/2021, 08:18 - Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân ngay khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bế mạc sáng qua, 1.2, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh LÊ VIỆT TRƯỜNG khẳng định, Đại hội đã ghi dấu mốc cho công cuộc đổi mới lần thứ hai, một dấu ấn của thời kỳ mới. Việc xác định mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030 và 2045 đã cho thấy tầm nhìn bao quát của Đảng ta, đúc rút từ bài học kinh nghiệm 35 năm đổi mới đất nước; đồng thời tiếp cận xu thế phát triển của thế giới với tư duy hiện đại. Đại hội XIII mang theo quyết tâm cao độ đưa nước ta phát triển lên tầm cao mới.

Đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới

 - Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa bế mạc đem lại cảm xúc như thế nào với ông? 

Ảnh: Hoàng Ngọc

 - Tôi theo dõi sát sao các thông tin về chương trình nghị sự của Đại hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và thực sự tự hào về kết quả của Đại hội. Tôi cho rằng, Đại hội đã đặt dấu mốc mới cho công cuộc đổi mới lần thứ hai, một dấu ấn của thời kỳ mới. Ngay trong Văn kiện trình Đại hội đã xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu này có được là từ tầm nhìn bao quát, từ kinh nghiệm chúng ta đã tích lũy được, từ bài học sau 35 năm đổi mới và tiếp cận với xu thế phát triển của thế giới, tư duy hiện đại, kinh nghiệm thành công của các quốc gia. Có thể khẳng định, Đại hội lần thứ XIII mang theo quyết tâm cao độ để đưa nước ta phát triển lên tầm cao mới.

Công tác chuẩn bị nhân sự cũng rất kỹ lưỡng, qua từng bước, từng khâu chặt chẽ, thể hiện rõ trách nhiệm của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII trước yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước thông qua những con người cụ thể. Với cách làm này, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã lựa chọn được những nhân sự có đức, có tài để đảm nhận các vị trí lãnh đạo quan trọng của đất nước. 

- Văn kiện Đại hội XIII xác định đến định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đó là “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Ông đánh giá như thế nào về định hướng này?

- Trước kia, chúng ta tập trung phát triển theo chiều rộng, chạy theo số lượng, thì nay đã tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Muốn làm được, thì phải phát huy được vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng tạo sự phát triển với cấp số nhân. Không tận dụng tốt cuộc cách mạng này thì nguy cơ tụt hậu của chúng ta là hiện hữu. Cho nên, nhiệm kỳ Đại hội XIII, cần có chính sách tổng thể, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp để chủ động tham gia có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ưu tiên thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong phát triển công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản trị… Từng bước hình thành kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…

Tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức, nước ta sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước phát triển hơn, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Thước đo hạnh phúc là sự hài lòng của Nhân dân

- Trong phát biểu khai mạc tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh đến việc “lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

- Khát vọng phồn vinh, hạnh phúc đã được nhấn mạnh trong các Văn kiện trình Đại hội. Có khát vọng mới có thể tiến xa. Nhắc lại khát vọng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh đây là định hướng lâu dài của Đảng ta, đồng thời muốn khơi dậy khát vọng trong mỗi người dân. Khát vọng không chỉ là mong muốn, mà là hành động. Lịch sử nước ta đã làm được nhiều điều to lớn, vĩ đại như đánh bại quân xâm lược, tiến hành kháng chiến đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2007 - 2008), đoàn kết, đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid-19, không lý gì Việt Nam lại không đạt được hùng cường, thịnh vượng như các quốc gia khác.

Đối với tiêu chí hạnh phúc, có lẽ mỗi quốc gia, dân tộc sẽ lại có tư duy, cảm nhận và thước đo khác nhau. Tuy vậy, tôi cho rằng, thước đo hạnh phúc lớn nhất chính là sự hài lòng của Nhân dân. Nếu Nhân dân hài lòng đó là hạnh phúc. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, những người cầm lái đất nước, đó chính là hạnh phúc.

-  Về mục tiêu quốc phòng, an ninh nếu Đại hội XII, Đảng ta đề cập phát huy “mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp” thì lần này, Văn kiện Đại hội xác định phát huy “cao nhất sức mạnh tổng hợp”. Điều này gắn liền với chủ đề Đại hội: “phát huy ý chí khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc…”, thưa ông?

- Chúng ta không chỉ thay đổi về câu chữ, mà còn thay đổi tư tưởng, chỉ đạo hành động. Các kỳ đại hội trước chúng ta xây dựng được tiềm lực, bây giờ như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Khi đã có “sức mạnh tổng hợp”, phải phát huy cao nhất. Điều này còn thể hiện việc kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam: Càng trong khó khăn, thử thách thì ý chí, khát vọng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc càng được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh vô địch thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện