Đấu thầu qua mạng: Tăng minh bạch, giảm tiêu cực

- Thứ Hai, 26/10/2020, 07:19 - Chia sẻ
Tuần trước, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” của giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2020 với sản phẩm “Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”. Việc 2 năm liên tiếp vượt qua hàng chục đơn vị giành giải thưởng này một lần nữa chứng tỏ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã được ứng dụng hiệu quả và bước đầu mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tăng trưởng ngoạn mục

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS) được xây dựng và triển khai tại Việt Nam từ năm 2009 trên cơ sở chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc (KONEPS) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Quá trình áp dụng đấu thầu qua mạng được chia thành 2 giai đoạn: Từ tháng 9.2009 - 12.2015 triển khai thí điểm; từ tháng 1.2016 đến nay triển khai chính thức trên phạm vi cả nước.

Đại diện Cục Quản lý đấu thầu nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020

Quá trình triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng cho thấy bước tăng trưởng ngoạn mục. Cụ thể, năm 2016 ghi nhận hơn 3,3 nghìn gói thầu đấu thầu qua mạng, tăng gấp 7 lần so với năm 2015 - thời điểm kết thúc giai đoạn thí điểm. Trong 3 năm 2016 - 2018, tổng số gói thầu qua mạng đạt 30,5 nghìn, với tổng giá gói thầu là 61,8 nghìn tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57,2 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2019, số gói thầu vọt lên con số 39 nghìn gói, gấp đôi năm 2018 và vượt qua kết quả của cả giai đoạn 2016 - 2018 với tổng giá gói thầu là 120,3 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng năm nay, số lượng gói thầu qua mạng đạt 67,6 nghìn, chiếm 84,9%; tổng giá trị gói thầu là 198,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,8%. Kết quả này vượt xa chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/2020 của Chính phủ.

“Hồi đầu áp dụng đấu thầu qua mạng (năm 2016 – PV), ai cũng ngại, giờ làm rồi thì thấy quá nhàn luôn và nhiều lợi ích”, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ. Đáng chú ý, đấu thầu qua mạng được các nhà tài trợ đánh giá cao. Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đều đã thực hiện thí điểm áp dụng đấu thầu qua mạng cho các gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB). “Vốn WB rót vào Việt Nam hơn 80 tỷ USD, 90% trong đó là xây lắp. Từ năm 2017 chúng tôi đã áp dụng đấu thầu qua mạng gần như bắt buộc, đến nay có thể tự tin nói rằng 90% vốn WB vào Việt Nam đều qua đấu thầu qua mạng”, đại diện WB cho biết. Tới đây, WB và ADB sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất thực hiện đấu thầu qua mạng tất cả gói thầu ODA.

Thực tế, cho đến nay, khung pháp lý về đấu thầu qua mạng cơ bản đã hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Thông tin về đấu thầu công khai, minh bạch hơn, liên tục được cập nhật tạo điều kiện cho các nhà thầu tra cứu, tiếp cận thông tin đấu thầu dễ dàng, kịp thời và đáng tin cậy hơn. Đặc biệt, “các thông tin này được quản lý có tính hệ thống, kết nối với nhau bảo đảm bên mời thầu phải tuân thủ việc đăng tải đầy đủ thông tin về đấu thầu, đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý kịp thời phát hiện các chủ đầu tư, bên mời thầu cố tình không công khai thông tin và giúp nhà thầu có cơ hội nắm bắt được nhiều thông tin liên quan đến gói thầu”, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia, Cục Quản lý đấu thầu cho biết.

Ngoài ra, thông tin, văn bản điện tử được công khai miễn phí trên mạng và được công nhận giá trị pháp lý giúp tiết kiệm nhiều chi phí hành chính (in ấn, đi lại, lưu trữ hồ sơ...) cho cả chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu.

Công cụ đẩy lùi tiêu cực

Hiệu quả kinh tế mà đấu thầu qua mạng mang lại cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu hoàn toàn có thể lượng hóa được. Tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu qua mạng năm 2017 là 8,2%, năm 2018 là 7,15%, năm 2019 là 5,63%. Xét trong 9 tháng năm nay, ở lĩnh vực hàng hóa, tỷ lệ tiết kiệm cao nhất lên tới 76%; lĩnh vực xây lắp 50%; ở lĩnh vực tư vấn 85%; lĩnh vực phí tư vấn 92%. Trung bình, đấu thầu qua mạng tiết kiệm thời gian từ 5 - 8 ngày so với đấu thầu truyền thống.

Không chỉ vậy, đấu thầu qua mạng còn là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu. Bởi lẽ, toàn bộ quy trình đấu thầu từ lúc phát hành thông báo mời thầu đến lúc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu, do vậy bảo đảm minh bạch, công khai và cạnh tranh bình đẳng. Ngoài ra, Hệ thống tự động tính toán và kiểm tra tính hợp lệ các thông tin của nhà thầu ngay khi nhà thầu tiến hành lập hồ sơ dự thầu trực tuyến trên mạng do quy trình điện tử đã tự động loại bỏ lỗi số học, sai lệch và các sai sót không đáng có cho nhà thầu. Cho đến thời điểm mở thầu, toàn bộ thông tin liên quan đến nhà thầu như số lượng nhà thầu, tên nhà thầu tham dự được giữ bí mật, bên mời thầu không biết nhà thầu nào tham dự, các nhà thầu cũng không biết “đối thủ” của mình là ai nên có thể hạn chế tối đa vấn nạn thông thầu, dàn xếp “quân xanh quân đỏ” trong đấu thầu.

Trên thực tế, việc tham gia và tổ chức đấu thầu trực tuyến, với những lợi ích nhìn thấy được, ngày càng phổ biến ở những tập đoàn kinh tế lớn. Giá trị các gói thầu ngày càng lớn và người ta tin rằng nó giúp làm minh bạch trong làng thầu trong nước, nơi trong nhiều năm qua xảy ra quá nhiều vụ tham nhũng đầy tai tiếng có liên quan đến việc bỏ thầu - thắng thầu trong nhiều lĩnh vực.

Cục Quản lý đấu thầu là 1 trong 7 đơn vị được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” trong lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam 2020” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều 18.10.

Trong năm thứ 3 giải thưởng được tổ chức, từ 232 hồ sơ dự thi, Ban tổ chức đã chọn trao giải thưởng cho 40 sản phẩm, giải pháp công nghệ số xuất sắc nhất thuộc 27 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và 31 đơn vị là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu.

Đây là lần thứ 2 Cục Quản lý đấu thầu được vinh danh ở giải thưởng này với sản phẩm “Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”. Theo đánh giá của chuyên gia, tổ chức tư vấn quốc tế nhiều kinh nghiệm về đấu thầu qua mạng, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối liên ngân hàng phát triển toàn cầu; cơ sở dữ liệu đấu thầu được đánh giá đáp ứng chuẩn dữ liệu mở, sẵn sàng chia sẻ và trao đổi dữ liệu với các hệ thống chính phủ điện tử khác.

Hà Lan