Đấu thầu qua mạng thúc đẩy tăng trưởng

- Thứ Bảy, 09/10/2021, 05:43 - Chia sẻ
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, Chính phủ vẫn theo đuổi mục tiêu kép một cách linh hoạt và phấn đấu giải ngân 95% vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để tiết kiệm thời gian lựa chọn nhà thầu là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu này.
8 tháng đầu năm, đấu thầu qua mạng đạt 95,47%

Trường hợp Quảng Ninh

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện (năm 2020) đến nay, Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh triển khai 31 dự án trị giá 525 tỷ đồng sửa chữa định kỳ quốc lộ và tỉnh lộ. Đáng chú ý, nhà thầu của toàn bộ các dự án đều được lựa chọn theo hình thức đấu thầu qua mạng. Hiện 22 dự án đã thi công xong và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. 9 dự án còn lại đã chọn xong nhà thầu và đang trong quá trình thi công. Theo đánh giá năng lực, các nhà thầu đấu thầu qua mạng đều bảo đảm đáp ứng tiến độ, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Ban Quản lý cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đi lại giữa các địa phương khó khăn, ưu thế của đấu thầu qua mạng càng thể hiện rõ nét. Đấu thầu qua mạng không chỉ giúp giảm thời gian, chi phí, thủ tục hành chính mà còn tránh được việc tiếp xúc trực tiếp và duy trì công việc trôi chảy, thông suốt trong dịch bệnh. Nhờ đó, tiến độ các dự án đều đúng kế hoạch, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm cho cán bộ thực hiện các phần việc liên quan đến đấu thầu.

Giãn cách vẫn có thể đấu thầu

Trên bình diện cả nước, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, Cục Quản lý đấu thầu cho biết, 8 tháng năm 2021 có gần 76,8 nghìn gói thầu trị giá 526,65 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, 74,5 nghìn gói thầu trị giá 372,8 nghìn tỷ đồng có thể áp dụng đấu thầu qua mạng. Kết thúc tháng 8 có gần 71 nghìn gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đạt 95,47% với tổng giá trị gói thầu là 269 nghìn tỷ đồng, đạt 72,33%.

Với kết quả này, đấu thầu qua mạng một lần nữa cho thấy sự tăng trưởng ngoạn mục vốn đã được duy trì trong thời gian khá dài, đặc biệt từ năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện. Lợi ích đa chiều của đấu thầu qua mạng, nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cũng như hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cùng với “tác động cộng hưởng” của dịch bệnh chính là những nhân tố tạo nên thành quả này.

Hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại của nhà thầu khó khăn hơn, một số địa phương bị giãn cách xã hội, phong tỏa tại một số địa điểm. Tuy vậy, nhờ đấu thầu qua mạng, công tác này vẫn bảo đảm sự liên tục, không làm ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu và triển khai dự án.

Ở phía Nam, là tâm điểm của đợt dịch thứ 4, TP. Hồ Chí Minh vẫn triển khai tốt công tác đấu thầu nhờ áp dụng đấu thầu qua mạng. 8 tháng qua, thành phố đã triển khai 1.086 gói thầu. Trong số 974 gói thầu thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng, thành phố đã thực hiện 896 gói, đạt tỷ lệ 91,99% với tổng giá trị 2.539 tỷ đồng. Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước về đấu thầu qua mạng, chỉ sau Bình Phước, với tỷ lệ 99,33%, tổng giá trị 930 tỷ đồng (149/150 gói thuộc phạm vi đấu thầu qua mạng), đạt hơn 44% về giá trị. Bình Dương cũng ghi nhận kết quả ấn tượng khi đấu thầu qua mạng 88 gói thầu, đạt tỷ lệ 93,18%, tổng giá trị gần 1.200 tỷ đồng.

Ở phía Bắc, Bắc Ninh và Bắc Giang là điển hình của tinh thần vừa chống dịch vừa giữ vững các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là đấu thầu qua mạng. Tỷ lệ đấu thầu qua mạng của Bắc Giang là 98,31% với 523/532 gói thầu trị giá 3.200 tỷ đồng. Bắc Ninh đạt 97,79% với 576/589  gói thầu được đấu thầu qua mạng trị giá 2.600 tỷ đồng và được Thủ tướng đánh giá là 1 trong những địa phương phải giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn giải ngân tốt vốn đầu tư công.

Công cụ hữu hiệu thúc đẩy giải ngân

Kết thúc tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước dự kiến đạt 47% kế hoạch. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ quyết tâm giải ngân 95% kế hoạch vốn, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Giải ngân khối lượng vốn lớn trong thời gian ngắn như vậy là nhiệm vụ nặng nề. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư, bên mời thầu cần đẩy mạnh hơn nữa đấu thầu qua mạng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bởi khâu “ngốn” nhiều thời gian nhất trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công chính là lựa chọn nhà thầu. Toàn bộ quy trình đấu thầu qua mạng không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu, do vậy không chỉ bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, hạn chế tối đa nạn thông thầu, “quân xanh quân đỏ” mà đặc biệt quan trọng là vẫn có thể triển khai được trong điều kiện giãn cách xã hội và tránh được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, đấu thầu qua mạng vừa tiết kiệm thời gian, chi phí so với đấu thầu truyền thống, vừa là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực.

Hà Lan