Theo dòng sự kiện:

Đấu tranh triệt để, không có vùng cấm

- Thứ Ba, 27/10/2020, 08:25 - Chia sẻ
Năm 2020, “tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”. Đồng tình với nhận định nêu trong Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, công tác này đã và đang được Đảng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả rõ nét, để lại dấu ấn rất tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong lòng nhân dân. Qua đó, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy.

Thực tế cho thấy, với sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân và cả hệ thống chính trị, tham nhũng đã và đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá cao... Những kết quả đó, như nhận định của ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), “thể hiện quyết tâm, hành động của Đảng và Nhà nước, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng”.

Đương nhiên, nói như vậy, không có nghĩa có thể chủ quan, hay thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Dự báo của Chính phủ cho thấy, tình hình tham nhũng “vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện”. Và, nếu như việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân đồng tình, thì những vụ “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, chưa được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Hiện tượng này, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), “ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta”. Đấy là chưa kể, vấn đề “lợi ích nhóm”, “sân sau” còn tồn tại, gây bất công trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công. Tham nhũng không chỉ diễn ra ở các cơ quan nhà nước mà đã và đang diễn ra ở một số lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế quan trọng, hay tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với một bộ phận cán bộ làm việc trong các cơ quan này.

Không dừng ở những phản ánh, nêu thực trạng, nhiều đại biểu đã kiến nghị, đề xuất giải pháp để “không dám, không muốn, không ham” tham nhũng. Trong đó, giải pháp đầu tiên và cũng là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, đó là tiếp tục xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Vì thực tế thời gian qua cho thấy, biện pháp này có tác động rất tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn, răn đe với tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và thanh tra chuyên ngành nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, kéo dài, có dấu hiệu nhũng nhiễu hay bao che sai phạm, kể cả sai phạm trong công tác cán bộ thời gian qua.

Để phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả hơn, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị Chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công. Cụ thể, cần đẩy mạnh các dịch vụ mua sắm, thanh toán bằng giao dịch điện tử, nhằm hạn chế tiêu dùng tiền mặt. Tăng cường công khai, minh bạch lĩnh vực mua sắm tài sản công, định giá đấu thầu đất đai, tài nguyên, đấu thầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, kể cả việc chi trả đền bù, giải tỏa đất đai cho nhân dân, tiền thi hành án… để có thể kiểm soát tốt hơn những hành vi tham nhũng, tiêu cực... 

Khẳng định Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm rất cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, "quan điểm là đấu tranh triệt để, không có vùng cấm”. Thừa nhận “những vấn đề đại biểu nêu ra đều có - tham nhũng và tội phạm về lĩnh vực này dứt khoát sẽ có dấu hiệu của lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, sự cấu kết của tội phạm với những người có quyền lực”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, thời gian qua, “chúng ta đã triệt để điều tra, truy tố, xét xử”. Quan điểm này sẽ tiếp tục được thực hiện. Mục tiêu chính là để răn đe và xây dựng cơ chế phòng ngừa, thu hồi được tối đa tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có, cho Nhà nước và nhân dân.

Lam Giang