Đầu tư 1 USD lời 8 USD

- Chủ Nhật, 13/07/2008, 00:00 - Chia sẻ
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, nước ta có hơn 20.000 người tử vong do điều kiện nước sạch và vệ sinh không bảo đảm. Theo Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Ts Jean-Marc Olivé chi phí cần để cải thiện cấp nước và vệ sinh môi trường sẽ mang lại lợi ích xã hội rất lớn và lâu dài.
      PV: Thưa Ông, báo cáo mới đây của WHO về tình trạng nước sạch toàn cầu có gì khác biệt so với những lần trước? 
      Ts Jean-Marc Olivé: Bản báo cáo với tên gọi Nước an toàn hơn cho sức khỏe tốt hơn lần đầu tiên đưa ra những ước tính về gánh nặng bệnh tật của từng quốc gia do nước và điều kiện vệ sinh gây ra. Trong khi ở những nước phát triển, tỷ lệ này thường thấp hơn khoảng 1% so với mức cho phép thì ở những nước đang phát triển lại cao gấp khoảng 10 lần. Bản báo cáo cũng chỉ rõ, 10% gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu có thể phòng ngừa được thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận với điều kiện nước sạch và vệ sinh tốt hơn.
      PV: Như vậy, người dân tại các nước đang phát triển đang phải đối mặt với những mối nguy hại nghiệm trọng của môi trường nước?
      Ts Jean-Marc Olivé: Đúng vậy. Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hàng năm có tới 1,4 triệu trẻ tử vong do tiêu chảy, 0,5 triệu trẻ tử vong do sốt rét và 0,86 triệu trẻ tử vong do suy dinh dưỡng. Nếu làm tốt công tác cung cấp nước sạch sẽ không chỉ ngăn ngừa được những tác hại nghiêm trọng cho trẻ em mà còn ngăn ngừa được khoảng 2 tỷ ca lây nhiễm đường ruột (gây ảnh hưởng tới 1/3 dân số thế giới), giảm được 5 triệu người mất năng lực sức khỏe nghiêm trọng và 5 triệu người có thể không bị mắc bệnh đau mắt hột.
      PVỞ Việt Nam, mối nguy hại này đang ở mức độ nào, thưa Ông?
      Ts Jean-Marc Olivé: Việt Nam nằm trong 32 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do sử dụng nguồn nước mất vệ sinh. Theo thống kê gần đây, mỗi năm có hơn 20.000 người tử vong tại Việt Nam do điều kiện nước sạch và vệ sinh nghèo nàn, thấp kém. Trong số những ca tử vong này, gần một nửa là do bệnh tiêu chảy gây ra. Việc thiếu nước sạch và vệ sinh vẫn luôn là những vấn đề y tế cấp bách. Với những gì đang diễn ra, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm cho mục tiêu Thiên niên kỷ đã đề ra. Theo bản tổng quan toàn diện của WHO, các luận cứ cho thấy, việc lồng ghép triệt để vấn đề nước và vệ sinh vào các chiến lược giảm bệnh tật của các quốc gia là điều kiện tiên quyết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Đầu tư cho nước sạch và vệ sinh môi trường mang một ý nghĩa kinh tế to lớn. Với 1 USD khi đầu tư cho nước sạch và vệ sinh môi trường, có thể sinh lợi 8 USD. Bên cạnh đó, 15% gánh nặng bệnh tật có thể được ngăn ngừa thông qua cải thiện cấp nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân.  
      PV: Vậy theo Ông, để đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam cần có những hành động cụ thể nào? 
      Ts Jean-Marc Olivé: Như tôi đã nói, chi phí cần để cải thiện cấp nước và vệ sinh môi trường sẽ mang lại lợi ích xã hội rất lớn và lâu dài. Những chi phí này sẽ được đền bù khi nhiều trẻ em đi học đều đặn hơn, số ngày dành cho công việc cao hơn, giúp giảm đáng kể chi phí cho bệnh viện và trạm y tế. Đó chính là đầu tư cho tương lai Việt Nam. Thực ra, các giải pháp công nghệ cao không phải luôn tốt nhất. Các công trình vệ sinh đơn giản kết hợp với việc rửa tay thường xuyên với xà phòng rất hiệu quả trong việc giảm các bệnh lây nhiễm, như tiêu chảy, tả và các bệnh giun sán. Đơn giản hơn, việc cải thiện chất lượng nước uống hoặc được tiếp cận với nước sạch sẽ đem lại những lợi ích rất quan trọng đối với sức khỏe người dân. Về mặt quản lý, việc kiểm soát tốt nguồn nước sẽ góp phần quan trọng giảm bớt sốt xuất huyết cộng đồng, cũng như sử dụng hiệu quả các hóa chất nhằm kiểm soát các tác nhân lây truyền bệnh.
      PV: Xin cám ơn Ông!
BÍCH NGỌC thực hiện