Đầu tư cho dân chủ

- Chủ Nhật, 09/05/2021, 08:05 - Chia sẻ
Điều khiến các nhà dân chủ lo lắng không chỉ là chi phí bầu cử ngày càng tăng, mà là ngân sách cho bầu cử đang ngày càng bị thu hẹp.

Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo đáng ngại cho nền kinh tế trên thế giới, cho thấy rằng Covid-19 sẽ châm ngòi cho một trong những cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng nhất trong ngắn và trung hạn. Trong bối cảnh này, các cuộc bầu cử sẽ phải “cạnh tranh” với nhiều dịch vụ khác để có được ngân sách. Tuy nhiên, các nhà dân chủ cho rằng, bầu cử là một khoản đầu tư cần thiết, chứ không đơn thuần là chi phí.

Bầu cử là hoạt động cần thiết của tiến trình dân chủ. Đây là cơ hội để công dân giám sát chính quyền và lựa chọn đại diện của mình. Trong giai đoạn đầu khi Covid-19 mới bùng phát, nhiều cuộc bầu cử đã phải hoãn lại một cách dễ hiểu vì lý do sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, còn một rủi ro nữa là các cuộc bầu cử cũng sẽ bị ảnh hưởng vì lý do tài chính. Bosnia - Herzegovina đã phải hoãn các cuộc bầu cử địa phương đáng lẽ diễn ra vào tháng 10.2020, do Chính phủ không thông qua ngân sách. Hồi tháng 4.2020, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga cũng đã đề xuất hoãn cuộc bầu cử Quốc hội của nước này vì ông cảm thấy rằng “Mông Cổ đang phải chi quá nhiều tiền để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh”. Với 3 triệu dân, Mông Cổ đã áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhất thế giới và là một trong số những nước đầu tiên đóng cửa biên giới. Tất nhiên sau đó, cuộc bầu cử Quốc hội Mông Cổ vẫn diễn ra dù muộn hơn một chút - vào tháng 6.2020. Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hoành hành, Mông Cổ đã phải chi thêm ngân sách cho việc triển khai công tác chuẩn bị nhằm bảo vệ cử tri khi đi bỏ phiếu, như khử trùng các điểm bầu cử, đánh dấu vạch xếp hàng cách nhau 1,5m và cung cấp găng tay nhựa dùng một lần và khẩu trang cho cử tri. Trước khi vào phòng bỏ phiếu, các cử tri được kiểm tra thân nhiệt và sát khuẩn tay. Ngoài ra, cử tri không được mang theo trẻ em dưới 18 tuổi đến điểm bầu cử.

Mông Cổ bầu cử Quốc hội tháng 6.2020  

Ngay cả khi các cuộc bầu cử được tổ chức, bối cảnh dịch bệnh cùng ngân sách hạn hẹp có thể làm tổn hại tới quá trình này. Thiếu hụt ngân sách có thể dẫn đến tình trạng cơ quan bầu cử không cung cấp đủ thiết bị để bảo đảm an toàn cho nhân viên bầu cử. Ngoài ra, nếu chính quyền không có biện pháp can thiệp để trấn an cử tri như các chiến dịch thông tin, tuyên truyền, khuyến khích thì số cử tri đi bỏ phiếu có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Bằng chứng cho thấy có mối quan hệ tích cực giữa nguồn lực tài chính và chất lượng bầu cử. Các cuộc bầu cử được điều hành tốt hơn thường là những cuộc bầu cử được đầu tư nguồn lực tài chính tốt. Các nghiên cứu từ Anh, Mỹ và nghiên cứu so sánh đã thiết lập mối liên hệ này. Khi nguồn tài trợ cho bầu cử bị cắt giảm, chất lượng bầu cử cũng bị giảm sút. Các cuộc bầu cử minh bạch và công bằng do đó đòi hỏi sự đầu tư thỏa đáng. Ngược lại, khi không có đủ nguồn lực, chất lượng bầu cử bị ảnh hưởng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến “chất lượng” dân chủ.

Do đó, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc không đầu tư tốt cho công tác bầu cử có khả năng dẫn đến những chi phí phát sinh khác còn lớn hơn nhiều chi phí cho bầu cử. Khi công dân cảm thấy rằng quá trình bầu cử không công bằng, niềm tin của họ vào Chính phủ và chính quyền các bang có thể bị ảnh hưởng. Khi các đảng phái chính trị và những người ủng hộ cảm thấy rằng cuộc bầu cử đã không được tiến hành đúng cách, trong những tình huống mong manh hơn, xung đột và nội chiến có thể nổ ra.

Do đó, không thể đặt ra một chi phí cho nền dân chủ. Bầu cử là một lĩnh vực mà ngân sách không được cắt giảm trong hoặc sau đại dịch - và các quỹ khác sẽ cần được đầu tư theo các nguyên tắc đầy đủ, minh bạch, bền vững, hợp pháp và dự phòng để bảo đảm an toàn cho cử tri và nhân viên trong một quá trình được tiến hành một cách liêm chính. 

Quỳnh Vũ