Chính sách tài chính trong giáo dục

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:57 - Chia sẻ
Thời gian qua, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo hàng năm tương đối lớn; cơ chế chính sách liên quan đến tài chính trong giáo dục liên tục được cập nhật, sửa đổi. Tuy nhiên, mục tiêu cải cách toàn diện và căn bản nền giáo dục vẫn đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với việc đầu tư cho lĩnh vực này.

Chi đầu tư giảm mạnh

Việc bảo đảm chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách hàng năm tại cả Trung ương và địa phương theo Nghị quyết 37/2004/NQ-QH11 và Luật Giáo dục 2019 cho thấy, giáo dục luôn là yếu tố ưu tiên cùng với quá trình phát triển của quốc gia. Xét về con số tương đối, 20% là mức cao so với nhiều nước trên thế giới. Với khoản ngân sách như vậy, câu hỏi đặt ra là cách phân bổ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục hiện nay đã hợp lý hay chưa, hiệu quả và hiệu lực của chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo như thế nào?

Mệnh đề đó được gợi mở trong Phiên họp chuyên đề “Chính sách tài chính trong giáo dục”, do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức sáng 24.9, tại Hà Nội. Các ý kiến đã chỉ ra hạn chế, vướng mắc cũng như đề xuất giải pháp liên quan đến tài chính trong giáo dục bằng việc tập trung vào 3 vấn đề: Hiệu lực, hiệu quả của chính sách tài chính trong giáo dục; Tài chính trong tự chủ đại học; Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Theo Báo cáo tóm tắt Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam” của nhóm nghiên cứu Học viện Tài chính, không kể từ nguồn học phí thì tỷ lệ chi cho giáo dục - đào tạo hàng năm chỉ đạt trung bình 18,7% (thấp hơn tỷ lệ tối thiểu 20%). Trong đó, chi thường xuyên có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây (do việc tăng lương cho giáo viên, tăng chỉ số giá tiêu dùng), còn chi đầu tư phát triển giảm mạnh. Quy mô chi ngân sách có sự khác biệt đáng kể giữa các cấp học: phổ thông chiếm trung bình 88%, đại học khoảng 2%. Tổng chi ngân sách địa phương cho giáo dục, đào tạo liên tục tăng hàng năm, song tỷ trọng chi giữa các địa phương còn khá chênh lệch, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao...

Hạn chế một phần đến từ “tiếng nói” của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong phối hợp tham gia và quy trình lập và phân bổ dự toán chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo khá mờ nhạt. Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Tú Khánh nhận định, vấn đề chính sách tài chính trong giáo dục nhiều lần được trao đi đổi lại nhưng mới chỉ tìm hướng giải quyết bài toán “cứu đói”, tức bảo đảm cho các trường tồn tại chứ chưa thực sự thúc đẩy phát triển. "Đến lúc, ngành quản lý giáo dục, đào tạo phải đóng vị thế, vai trò trọng yếu trong dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách, từ đó thực hiện cơ cấu lại chi tiêu dựa trên nguyên tắc tài chính đối với giáo dục một cách rõ ràng”.

Vấn đề tài chính có tác động không nhỏ đến sự phát triển của giáo dục, đào tạo  

"Bốc thuốc không có đơn"

Tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên phù hợp với các ưu tiên chiến lược của ngành, muốn làm được điều này, chi thường xuyên và chi đầu tư phải được quản lý minh bạch và các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo phải được tổng hợp đầy đủ. Đây sẽ là căn cứ và bảo đảm tính hợp lý trong phân bổ trong chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài chính nhìn nhận từ hệ thống giáo dục phổ thông: “Giáo dục phổ thông đang huy động khá nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhưng rất thiếu sự minh bạch. Nếu như ngành y tế có thống kê tài chính cụ thể cho ngành, trên cơ sở đó nắm rất rõ thực trạng tài chính trong và ngoài ngân sách thì ngành giáo dục cũng phải có thống kê tài chính cho giáo dục một cách đầy đủ, minh bạch hóa các nguồn lực”.

Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng dự toán toàn dựa trên số liệu báo cáo của các sở - đơn thuần là số liệu tổng hợp một chiều và thiếu cơ sở dữ liệu. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng Lê Quốc Tiến cho biết: “Bản thân các sở cũng thiếu dữ liệu cơ sở ngành nên đối chiếu sang tài chính khó rõ ràng, mạch lạc. Cả một thời gian dài không có số liệu tổng thể, việc chi tiêu như "bốc thuốc không có đơn". Cái “khó” này ít nhiều làm giảm hiệu lực, hiệu quả của chi tiêu ngân sách nhà nước cho giáo dục. Rất may, năm vừa qua chúng tôi đã tự khắc phục bằng cách tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cụ thể, bài bản”.

Thách thức của việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo còn là làm sao phát triển hài hòa tỷ lệ giữa các bậc học gắn với thực hiện tốt vai trò của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm là vấn đề cần đặt ra trong bối cảnh nguồn nội hạn chế, nhưng “đầu tư vào đâu” thì vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, nếu lấy mục tiêu nâng cao hiệu quả tổng thể của giáo dục thì nên dành nguồn lực cho các cấp học phổ thông, còn đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần ưu tiên cho bậc đại học. Tiếp cận theo hướng nào cũng cần dựa trên sự cân đối cơ cấu chi ngân sách một cách hợp lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, tài chính trong giáo dục là vấn đề lớn, vừa phức tạp, vừa nhạy cảm và tác động không nhỏ đến sự phát triển của giáo dục, đào tạo. Giờ đây, bên cạnh việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của ngân sách trong giáo dục, cần chú trọng vấn đề huy động các nguồn lực tài chính để phát triển giáo dục, đào tạo. “Trong bối cảnh ngân sách như hiện nay, việc đẩy mạnh hướng tiếp cận nguồn đầu tư xã hội hóa và cả nguồn lực bên ngoài quốc gia (ngân sách nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài) là cần thiết, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp với mục tiêu cải cách toàn diện và căn bản nền giáo dục Việt Nam”.

Thái Minh