Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững

- Thứ Tư, 23/12/2020, 06:00 - Chia sẻ
Tại Hội thảo triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều đại biểu cho rằng, với các định hướng, giải pháp cơ bản của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo bước chuyển mới trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa vùng dân tộc thiểu số và miền núi 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói chung phát triển nhanh bền vững, hòa nhập với sự phát triển của cả nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến:
Khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của đồng bào

Cần đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS - MN) giai đoạn 2021 - 2030 sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người dân tộc thiểu số. Qua đó, thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS - MN, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số nghèo.

Về cơ chế huy động vốn cần thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng... Chú ý lồng ghép việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS - MN với các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS - MN.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung:
Hoàn thiện chính sách, quy hoạch lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch để triển khai, như: Tiến hành rà soát, ban hành đồng bộ các chính sách về khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào DTTS - MN khi tham gia học nghề, khởi nghiệp, tìm kiếm tạo việc làm. Xây dựng hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả. Thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá. Phân tích toàn diện, có hệ thống và tính khách quan phù hợp, hiệu quả, hiệu suất, tác động và mức độ bền vững của tiểu dự án để tổ chức tiến hành đánh giá giữa kỳ, kết thúc hoặc đột xuất của dự án. Trên cơ sở đó điều chỉnh khi cần thiết và rút ra những bài học kinh nghiệm áp dụng cho giai đoạn thực hiện tiếp theo.

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tiếp tục cải thiện chỉ số và thứ hạng các chỉ số Chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Xây dựng khung tham chiếu về trình độ kỹ năng nghề, mô hình thúc đẩy việc phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng nghề cho người lao động giữa các nước trong khu vực và thế giới. Hợp tác, trao đổi với các nước để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp với các nước trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ:
Tập trung phát triển nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực là rào cản rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào DTTS - MN cả nước, trong đó có các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS - MN, giải pháp căn cơ và bền vững là phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này. Thời gian tới, trước hết phải giải quyết tốt quan hệ cung - cầu về nguồn nhân lực, trong đó quan trọng là từ phía “cầu”. Các tỉnh cần rà soát kỹ thực trạng thừa thiếu, chất lượng nhân lực của từng huyện, từng xã, thôn/bản theo từng ngành, lĩnh vực để xây dựng Đề án phát triển nhân lực vùng đồng bào DTTS - MN của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chủ động xây dựng kế hoạch và có chính sách cụ thể để thu hút, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng từng loại nhân lực. Đặc biệt, các địa phương nên tập trung ưu tiên rà soát các loại nhân lực về lãnh đạo quản lý, kinh tế, kỹ thuật (nhất là nông, lâm, thủy sản), sư phạm và y tế. Các loại nhân lực này thiết yếu, đóng vai trò then chốt để phát triển các huyện, xã, thôn/bản. Các thông tin về nhu cầu các loại nhân lực này cần thông báo công khai hoặc “đặt hàng” cho các cơ sở đào tạo, trước hết là các cơ sở đào tạo trên địa bàn của 3 tỉnh biết để phối hợp thực hiện.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành:
Quyết định mang tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trong công tác dân tộc

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS - MN giai đoạn 2021 - 2030 là quyết định mang tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc, thể hiện sự nhất quán trong đường lối, chính sách dân tộc của Nhà nước ta, đồng thời là bước cụ thể nội dung của Hiến pháp: “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”. Nghị quyết là căn cứ để Nhà nước tăng cường chính sách và nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho vùng DTTS - MN phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế; tạo cơ sở để đồng bào các dân tộc phát huy nội lực vươn lên phát triển cùng đất nước, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS - MN với các vùng trong cả nước.

Quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN giai đoạn 2021 - 2030 cần bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Đồng thời, phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi:
Bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào

Trong quá trình triển khai Chương trình, cần quan tâm đến một số vấn đề về an sinh xã hội, như hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, bảo đảm quyền con người. Bảo đảm thực hiện tốt theo ba chức năng: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, nhằm bảo vệ thúc đẩy và hỗ trợ kịp thời các cá nhân và hộ gia đình vượt qua các cú sốc, rủi ro trong cuộc sống. 

Đồng thời, thực hiện giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, bền vững, nhất là khu vực đồng bào DTTS - MN, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội theo hướng toàn diện, đa tầng, bao trùm, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau; hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững thông qua đào tạo, chuyển đổi việc làm. Phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng và hiệu quả; chú trọng hơn nữa y tế cơ sở và y tế dự phòng; bảo đảm phòng chống tốt và giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục cho vùng DTTS - MN, hải đảo...

Q.Khánh ghi - Ảnh: Quang Khánh