Đầu tư thỏa đáng cho xây dựng pháp luật

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 05:15 - Chia sẻ
Báo cáo tại một Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9.2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho biết, qua rà soát vẫn còn nhiều nội dung, quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Cụ thể, những mâu thuẫn, chồng chéo này tập trung ở 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư. Các quy định về tài chính; thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản; về lao động, việc làm và an sinh xã hội. Quy định về kiểm tra chuyên ngành; bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; về phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý Nhà nước về kinh tế...

Ngoài ra, Báo cáo số 411/BC-CP ngày 7.9.2020 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng nêu rõ, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu chính xác, phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến hiểu, áp dụng không thống nhất. Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khi sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.

Đặc biệt, việc gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Việc triển khai thực hiện một số chế định pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là xử lý vi phạm chưa kịp thời và đủ nghiêm khắc. Cơ chế bảo đảm cho người dân giám sát thi hành pháp luật chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong một số trường hợp khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành,dẫn đến khó đi vào cuộc sống.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ trưởng Lê Thành Long là bởi nguồn lực chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của hoạt động xây dựng pháp luật. Các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật còn chưa đầy đủ, nhất là về tổ chức, bộ máy, biên chế và kinh phí; cơ chế phối hợp trong tổ chức thi hành pháp luật còn chưa đồng bộ, hiệu quả. Hoạt động đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật chưa thực sự sát với yêu cầu thực tiễn, cơ chế đãi ngộ chưa thu hút được nguồn cán bộ có chuyên môn cao. Hơn nữa, nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội mới, phức tạp nảy sinh cũng đã dẫn tới những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Từ những thực tế trên, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; chủ động rà soát và loại bỏ những nội dung, quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, đồng thời nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành. Để làm được điều này, trước tiên phải thực hiện nghiêm quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ rằng văn bản quy phạm pháp luật là bộ phận cốt lõi của thể chế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đầu tư thỏa đáng cho công tác này.

Khánh Ninh