Hoạt động ngành kiểm sát nhiệm kỳ 2016 - 2021

Đẩy lùi vi phạm trong hoạt động điều tra

- Thứ Hai, 28/12/2020, 07:08 - Chia sẻ
Đánh giá kết quả công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tại phiên họp toàn thể lần thứ 16 vừa qua, các thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có nhiều chuyển biến tích cực, kéo giảm tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban cũng đề nghị, cần quyết liệt khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, nhất là đẩy lùi và tiến tới chấm dứt những vi phạm trong giai đoạn điều tra ban đầu.

Khởi tố, điều tra oan chỉ chiếm 0,03%

Báo cáo kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác kiểm sát đã góp phần quan trọng vào bảo đảm hoạt động điều tra vụ án hình sự đúng pháp luật; hạn chế vi phạm, sai sót, đặc biệt những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,03%) và giảm nhiều theo từng năm.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Tư pháp Ảnh: T.Chi
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Tư pháp
Ảnh: T.Chi

Cụ thể, ngành kiểm sát đã ban hành 5.961 kháng nghị phúc thẩm, tăng 1.899 kháng nghị (46,8%); tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận đạt 78,9%, tăng 8,5% và vượt so với chỉ tiêu của Quốc hội; ban hành 665 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 194 kháng nghị (41,2%); tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận đạt tỷ lệ 84,8%, tăng 1,2%, vượt so với chỉ tiêu của Quốc hội. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có nhiều chuyển biến tích cực; trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa được tăng cường; quan điểm giải quyết các vụ án bảo đảm khách quan, toàn diện, có căn cứ, đúng pháp luật; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa từng bước được nâng lên; chất lượng kháng nghị đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Các thành viên Ủy ban Tư pháp ghi nhận, trong 5 năm qua, ngành kiểm sát đã tập trung giải quyết khối lượng công việc rất lớn liên quan tới xử lý tin báo tố giác tội phạm, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề về tội phạm, giúp hạn chế được tình trạng bỏ lọt tội phạm. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại cơ quan điều tra… Qua kiểm sát, Viện Kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 3.115 vụ án, tăng 64,7%; trực tiếp quyết định khởi tố 148 vụ án, tăng 7,2%; hủy 322 quyết định không khởi tố vụ án và 96 quyết định khởi tố vụ án, tăng 17%… Qua đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên đây, hoạt động của ngành kiểm sát vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát nhân dân các cấp; còn để xảy ra nhiều trường hợp không tạm giam sau đó bị can bỏ trốn hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng, dẫn tới bị can bỏ trốn, phải ra lệnh truy nã…

 Điều tra ban đầu vi phạm, các giai đoạn sau có thỏa hiệp?

Thông qua thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, viện kiểm sát nhân dân các cấp đã kịp thời ban hành hàng nghìn kiến nghị. Trong đó, số kiến nghị cơ quan điều tra khắc phục vi phạm tăng 81% và số kiến nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng những biện pháp phòng ngừa tăng tới 221%. Nhận định hoạt động tư pháp nhìn chung còn “có vấn đề”, song đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cũng cho biết, số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà viện kiểm sát chấp nhận cũng vẫn còn khá lớn, phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của viện kiểm sát trong các vụ án chưa đáp ứng yêu cầu. 

“Hoạt động điều tra của các ngành chức năng như công an, kiểm sát có vấn đề gì mà chúng ta không khắc phục được tình trạng này?” Đặt câu hỏi này, đại biểu Vũ Trọng Kim chỉ rõ, tòa án có quyền xét xử độc lập và sau khi thực hiện các bước tố tụng, qua tranh luận tại tòa mới biết "trắng đen" thế nào, khi ấy tòa mới trả lại những hồ sơ cần điều tra bổ sung. Tuy nhiên, phải cố gắng hạn chế tình trạng hồ sơ bị trả lại, bởi đó là biểu hiện của chất lượng thực hành quyền công tố trong một số vụ án chưa tốt. Vì thực hành quyền công tố trong một số vụ án chưa tốt nên mới dẫn đến các trường hợp truy tố oan, truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt, thậm chí bỏ lọt tội phạm hay tình trạng một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị của viện kiểm sát cấp dưới.

Chia sẻ với những áp lực và khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết, nếu nhìn kỹ vào các vụ việc khiến người dân chưa yên tâm, đại biểu còn tranh luận thời gian qua sẽ thấy nguyên nhân xuất phát từ công việc hàng ngày của hệ thống cơ quan tư pháp, đặc biệt là các cơ quan có trách nhiệm trong giai đoạn điều tra ban đầu. Trong bối cảnh tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến ngày càng phức tạp, việc các cơ quan tư pháp tăng cường hoạt động điều tra ban đầu là đúng và cũng dễ dẫn đến những trường hợp phải đình chỉ do không cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, điều mà đại biểu Nguyễn Bá Sơn quan tâm và cũng được ghi nhận trong báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao năm 2020 (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười) là những vi phạm trong giai đoạn điều tra ban đầu ở cấp sơ thẩm, tập trung vào 3 dạng: vi phạm tố tụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lấy lời khai ban đầu; vi phạm trong quá trình thu thập chứng cứ; vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp. Do đó, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị, phải quan tâm nhiều hơn đến việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp trong các hoạt động điều tra ban đầu. 

Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cũng cho biết, khi cấp sơ thẩm để xảy ra vi phạm, ngoài những trường hợp có biểu hiện sai hoàn toàn và đã bị đình chỉ hoặc áp dụng các hình thức tố tụng khác thì cũng có những trường hợp bỏ qua các vi phạm ngay từ khâu điều tra ban đầu và kiểm sát. Điều này dẫn đến tình trạng các hoạt động tiếp theo gần như có biểu hiện của sự thỏa hiệp để cho qua những nội dung này. Tính tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp là trọng tâm xuyên suốt của hoạt động tư pháp. Quy định pháp luật về quy trình, thủ tục tố tụng hình sự là chỗ dựa chắc chắn nhất, an toàn nhất để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

“Khi chúng ta có vi phạm, có sai phạm ở đâu đó thì bất cứ lời giải thích nào cũng để lại những khoảng trống, sơ hở, từ đó dư luận bày tỏ thái độ không đồng tình”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị, cần đẩy lùi và chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra ban đầu, đặc biệt là trong hoạt động lấy lời khai ban đầu, thu thập chứng cứ ban đầu và giám định tư pháp.

Nhật An