Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 06:27 - Chia sẻ
Để hỗ trợ hợp tác xã xây dựng liên kết chuỗi giá trị, theo các chuyên gia, trước hết Cà Mau cần tổ chức quy hoạch lại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm phát triển vùng sản xuất an toàn theo quy mô hợp tác xã, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó mới thực hiện tốt các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp

Với mục tiêu xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản, có khả năng nhân rộng trong các lĩnh vực thủy sản, lúa gạo và trái cây, thời gian qua các cấp, các ngành, kể cả doanh nghiệp ở Cà Mau đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, như ngành hàng tôm, gỗ, cua biển, điển hình là ngành hàng lúa.

Đơn cử, đối với ngành hàng lúa đã xây dựng 2 mô hình sản xuất lúa - tôm chất lượng cao theo hướng VietGAP. Thông qua mô hình này, nhân rộng vùng sản xuất lúa, tôm chất lượng cao với quy mô trên 5.000ha. Ðồng thời, kết nối 3 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo xây dựng vùng nguyên liệu lúa, tôm đặc sản chất lượng cao quy mô 2.000ha tại xã Trí Lực và xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Riêng hợp tác xã Trí Lực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao gần 1.000ha và 200ha lúa hữu cơ đạt chuẩn châu Âu.

Tại huyện Trần Văn Thời, có 2 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa cao sản an toàn chất lượng cao, với quy mô 1.000ha. Trong đó Hợp tác xã Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc đã ký kết 3 hợp đồng với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, với Công ty Cổ phần Phân bón và hóa chất Cần Thơ và Tập đoàn ADAMA cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất; tiêu thụ lúa đầu ra với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát.

Tuy nhiên, hiện tượng "được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa" vẫn xảy ra. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nguyên nhân chủ yếu là do liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân còn nhiều bất cập trong thực tế; sự liên kết 4 nhà vẫn chưa có tiếng nói chung; lại thêm có rất ít hợp đồng được ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp và hợp đồng thường bị phá vỡ khi thị trường có những biến động bất lợi cho 1 trong 2 phía.

Cùng với đó, vấn đề thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm nông nghiệp đối với những thị trường khó tính… vẫn còn rất hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm là điều cần thiết, nhưng để bảo đảm cho thương hiệu giữ được uy tín, chất lượng khi tham gia thị trường thì còn nhiều vấn đề phải đặt ra đối với công tác quản lý, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và ý thức của nông dân khi tham gia xây dựng thương hiệu.

Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp

Quy hoạch các vùng sản xuất

Việc liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hiện nay tại tỉnh Cà Mau, hợp tác xã là tác nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các tác nhân tham gia vào chuỗi sản xuất. Nhưng để kinh tế hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tất yếu phải có liên kết chuỗi giá trị. Chính liên kết chuỗi giá trị mới bảo đảm cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân sản xuất ra được tiêu thụ, lợi ích được bảo đảm, tạo động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, để hỗ trợ hợp tác xã xây dựng liên kết chuỗi giá trị, trước hết các ngành chức năng tổ chức quy hoạch lại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm phát triển vùng sản xuất an toàn theo quy mô hợp tác xã, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó mới thực hiện được tốt các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống kênh cấp, thoát nước và hệ thống xử lý chất thải.

Có chính sách huy động các nguồn vốn hỗ trợ thành viên hợp tác xã, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ; phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tổ chức và điều phối giữa các thành phần tham gia liên kết chuỗi giá trị; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt các khâu trong liên kết chuỗi giá trị, đòi hỏi tác nhân cung cấp đầu vào phải bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, đối với nông dân, cần tuân thủ triệt để quy trình sản xuất do các nhà khoa học khuyến cáo hay theo yêu cầu ràng buộc của doanh nghiệp. Theo đó, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang cách thức sản xuất mới để phù hợp với yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại - đòi hỏi nông dân không chỉ liên kết chặt chẽ với nhau mà còn tăng cường hợp tác nhằm phát huy khả năng cạnh tranh và thuận tiện khi tham gia liên kết chuỗi giá trị, cũng như tiếp nhận và thụ hưởng những chính sách từ Nhà nước và tổ chức khác.

Ðối với doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ sản phẩm, cần tích luỹ vốn để phát triển công nghệ, nhằm gia tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm thô và bán thành phẩm. Ðối với nhà khoa học, cần nghiên cứu các giải pháp tăng sản lượng, chất lượng; nghiên cứu và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân, doanh nghiệp.

Vân Phi