Thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XV

Đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 06:06 - Chia sẻ
Với 36 lượt ý kiến tham gia, phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XV diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tình trạng nợ đọng thuế cao và liên tục tăng trong nhiều năm qua tiếp tục được bàn thảo. Cùng với đó, vấn đề phân cấp tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Lò Văn Học phát biểu thảo luận tại tổ

Tăng cường biện pháp giảm nợ thuế

Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh và các ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế song song với phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong 6 tháng đầu năm đạt 10,08%. Lai Châu là một trong những địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng nợ đọng thuế hiện đang ở mức cao, năm sau tăng so với năm trước và tăng hơn 3 lần so với quy định của Tổng cục Thuế. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, dư nợ thuế tính đến ngày 30.6.2021 còn trên 324 tỷ đồng (chiếm 16,9% so với tổng thu ngân sách). Nếu tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ chi phát triển của tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thức chỉ rõ, hiện nay số nợ thuế có khả năng thu là trên 287 triệu đồng, nợ khó thu là hơn 11 tỷ đồng. Trong tổng số 862 đối tượng nợ thuế có 675 doanh nghiệp, còn lại là hộ sản xuất kinh doanh và một số đơn vị khác. Ngành thuế cần làm rõ đối tượng nào chịu ảnh hưởng lớn, đối tượng nào ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh để có biện pháp thu nợ hợp lý. Một số đại biểu đề nghị, ngành thuế rà soát toàn bộ đối tượng nợ thuế. Nếu doanh nghiệp không hoạt động hoặc dừng hoạt động từ lâu cần có giải pháp giải thể hoặc công bố phá sản.

Thực tế, năm 2019, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường công tác quản lý nợ và thu hồi nợ đọng thuế với mục tiêu giảm số sợ đọng thuế trên địa bàn đến 31.12.2021 còn dưới 5% so với tổng thu ngân sách nhà nước. Theo Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nguyễn Mạnh Chiến, ngành thuế đã thực hiện nhiều giải pháp song đến nay, công tác thu hồi nợ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian tới, ngành thuế sẽ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp có nợ để lắng nghe ý kiến. Đồng thời, đề nghị các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sẽ báo cáo UBND tỉnh đình chỉ hoạt động của một số doanh nghiệp có nợ đọng thuế lớn, đặc biệt là doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Sớm có giải pháp phân cấp quản lý Nhà nước

Bên cạnh nợ đọng thuế, các đại biểu HĐND tỉnh cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề phân cấp quản lý Nhà nước trong tuyển dụng và sử dụng công chức, viên chức. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hiệp nêu thực tế, giai đoạn 2019 - 2021, công tác tuyển dụng công chức của tỉnh rất chậm, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Đội ngũ giáo viên ở cơ sở còn thiếu rất nhiều. Mặc dù có cơ chế mở là các huyện được ký hợp đồng lao động, song thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Quy mô trường lớp liên tục tăng, giáo viên hằng năm chuyển vùng nhiều, trong khi việc tuyển dụng ì ạch khiến tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra. Không những vậy, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn cũng đang chiếm tỷ lệ thấp. Đại biểu đề nghị, UBND tỉnh sớm có kế hoạch phân cấp tuyển dụng và sử dụng công chức, viên chức cho UBND các huyện, thành phố. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

Đại biểu Lò Văn Biên nhấn mạnh, thẩm quyền tuyển dụng cán bộ, công chức được quy định tại Quyết định số 37 của UBND tỉnh ngày 12.10.2016 đang bộc lộ những bất cập. Cụ thể, các mục 2, 3, 5 của Điều 15 quy định: “Quyết định tuyển dụng công chức, viên chức khi có quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng của Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm ngạch, xếp lương cho công chức và quyết định bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp cho viên chức đạt yêu cầu sau tập sự”. Theo đại biểu, đối với một người tập sự thì thẩm quyền theo dõi, hướng dẫn cho người tập sự đó thuộc về Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Vì vậy, khi hết thời gian tập sự nên giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tuyển dụng trên sơ sở đánh giá quá trình tập sự. Cũng tại Điều 15, quy định UBND các huyện, thành phố phải phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy quyết định điều chuyển công tác cho cán bộ từ khối Nhà nước sang khối Đảng, Đoàn thể và ngược lại. “Nên giao quyền chủ động cho các địa phương trong công tác điều động nhân sự từ chỗ thừa sang chỗ thiếu theo yêu cầu công việc”, đại biểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Chu Lê Chinh cho rằng, việc phân cấp mạnh về cơ sở là chủ trương và xu thế đúng đắn hiện nay nhưng phải được tính toán rất cụ thể để phù hợp với tình hình thực tiễn. Khi đã phân cấp, các địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm đối với việc tuyển dụng công chức, viên chức. Cấp tỉnh sẽ có vai trò kiểm tra việc thực hiện quy trình, quy định cũng như chất lượng tuyển dụng đối với các địa phương. Thời gian tới, UBND tỉnh cần sớm nghiên cứu giải pháp phân cấp quản lý nhà nước về tuyển dụng, nâng hạng công chức, viên chức cho UBND các huyện, thành phố để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đào Cảnh